Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn ở trung tâm thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Các đô thị đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận của các địa phương cũng như trên toàn tỉnh. Việc lấy các đô thị làm trụ cột, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế là chủ trương đã được tỉnh tập trung thực hiện từ nhiều năm nay.
Một góc Khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định. |
Nhận diện hạn chế trong phát triển đô thị
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo các chuyên gia thì hệ thống đô thị chưa tạo nhiều đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội do một số bất cập, hạn chế như: tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 20,3%, thấp hơn bình quân chung toàn quốc (33,8%). Khu vực có tốc độ đô thị hoá cao là dọc các tuyến Quốc lộ 21, 10 - đây là trục động lực phát triển chính của tỉnh với các đô thị: thành phố Nam Định và các thị trấn Cổ Lễ, Xuân Trường, Quất Lâm, Rạng Đông, Quỹ Nhất. Các đô thị hiện có của tỉnh đều ở quy mô vừa và nhỏ; nhiều điểm đô thị hóa còn mang tính tự phát từ các cụm điểm dân cư nông thôn, bám theo các trục quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ. Do đặc thù “đất chật người đông” nên mật độ phân bố đô thị của tỉnh là khá dày, trung bình 10,2 đô thị/1.000km2 (bình quân mỗi huyện có 2-3 đô thị); cự ly phân bố trung bình khoảng 15-20 km/đô thị; đặc biệt ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, các thị trấn chỉ cách nhau từ 5-7km. Cấu trúc các đô thị phần lớn theo mô tuýp phát triển hướng tâm với 1 trung tâm lớn và các trung tâm này thường là giao lộ liên vùng nên khi quy mô đô thị phát triển sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng đô thị (sinh thái, dịch vụ, di chuyển). Ngoài thành phố Nam Định có quy mô dân số khá lớn (hơn 23 vạn dân), được quy hoạch bài bản và xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ khá tốt, tiêu biểu cho diện mạo đô thị của tỉnh; các thị trấn còn lại phần lớn quy mô nhỏ, sức phát triển kém, hệ thống giao thông giản đơn, thiếu chiều sâu, chưa hình thành mạng lưới đường đô thị cụ thể và không tạo ra hình thái đô thị rõ rệt. Hệ thống đô thị với nhiều đô thị nhỏ, phân tán, dàn trải với hạ tầng dịch vụ thấp nên ít tạo được sức hút và lực kéo dịch cư lớn dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa chưa
cao (20,3%).
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 16/17 đô thị chưa lập Chương trình phát triển đô thị; trong đó có 4 đô thị là các thị trấn Cồn, Yên Định (Hải Hậu); Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); Giao Thủy (trên cơ sở sáp nhập thị trấn Ngô Đồng và các xã Hoành Sơn, Giao Tiến) hiện mới đang triển khai lập. Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định, các đô thị hiện hữu phải được công nhận loại đô thị tương ứng nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh mới có 5/17 đô thị (thành phố Nam Định, Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Thịnh Long) được cấp có thẩm quyền công nhận loại đô thị; 4 đô thị thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính (Cồn, Yên Định, Quỹ Nhất, Giao Thủy) đã lập và thông qua đề án phân loại đô thị; còn lại 8/17 thị trấn hiện hữu chưa thực hiện lập đề án phân loại đô thị. Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân tồn tại hạn chế này là do: một số địa phương trong tỉnh chưa quan tâm nhiều tới vị trí, tầm quan trọng của vấn đề phát triển đô thị; mặc dù UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhưng địa phương vẫn chưa lập chương trình phát triển và đề án phân loại đô thị để trình duyệt, công nhận. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực phát triển đô thị của nhiều địa phương còn hạn chế...
Tập trung phát triển các đô thị lớn, gắn kết với phát triển vùng
Trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29-12-2023 đã xác định rõ: Phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các vùng đô thị lớn, nhằm tăng trưởng dân số dịch vụ và việc làm, định hướng dịch cư; làm đầu kéo phục vụ cho phát triển công nghiệp và dịch vụ trong tỉnh; hạn chế sự phát triển phân tán, tự phát, thiếu kiểm soát; ưu tiên phát triển trước hệ thống các trung tâm đô thị, thu hút đầu tư xã hội và tạo điểm tựa cho các khu dân cư và chức năng khác phát triển theo. Yêu cầu gắn kết không gian phát triển đô thị với không gian phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở liên kết, hỗ trợ giữa mạng lưới đô thị với các khu, điểm kinh tế và điểm dân cư nông thôn. Trong đó đặc biệt lưu ý việc nghiên cứu, phát triển các trọng điểm đô thị như: thành phố Nam Định trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh; đô thị Rạng Đông - Thịnh Long hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III; hình thành đô thị Cao Bồ và các đô thị ở Xuân Trường - Giao Thủy. Phát triển xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Theo đó, phương án quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh trong thời gian tới là phù hợp với định hướng của hệ thống đô thị quốc gia và với cấu trúc chiến lược tổng thể kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; phát triển có trọng điểm, với định hướng hình thành các đô thị lớn; đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được chủ trương đó, trong thời gian tới toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển các đô thị lớn, gắn kết với phát triển của từng vùng; có tính chất, chức năng, bản sắc nổi bật; bền vững; hoàn chỉnh mạng lưới đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh; làm cơ sở để lập chương trình phát triển, đề án đánh giá phân loại, nâng loại đô thị, thành lập cấp hành chính đô thị. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 21 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 32,2%; tập trung nguồn lực phát triển 4 khu vực đô thị lớn gồm thành phố Nam Định mở rộng; khu vực đô thị Cao Bồ; khu vực đô thị Rạng Đông; khu vực đô thị Giao Thủy. Giai đoạn 2026-2030 hệ thống đô thị sẽ được nâng cấp phát triển theo chiều sâu; toàn tỉnh có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45-50%.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển hệ thống đô thị bền vững theo quy hoạch tỉnh, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai thực hiện lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị… trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công nhận. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án ưu tiên trong chương trình phát triển đô thị (các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, khu vui chơi giải trí…). Đầu tư nâng cấp kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị đảm bảo yêu cầu phát triển dân số và kinh tế - xã hội khu vực đô thị; phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị để thu hút người dân sinh sống tại các đô thị, hướng tới hình thành các mô hình “đô thị đáng sống” để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin