Hội viên nông dân phát triển mô hình trang trại, gia trại

08:15, 29/03/2024

Với quyết tâm, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng cùng sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của Hội Nông dân (HND) các cấp và địa phương trong tỉnh, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) phát triển mô hình trang trại nuôi cá trắm đen, cá Koi.
Hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) phát triển mô hình trang trại nuôi cá trắm đen, cá Koi.

Ông Nguyễn Văn Luật, hội viên nông dân xã Hải Đông (Hải Hậu) khởi nghiệp từ năm 2001 với mô hình chăn nuôi chỉ vỏn vẹn 80 con gà công nghiệp. Nhờ nắm bắt được các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, cùng chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nhất là chủ trương dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa, phát triển mô hình trang trại, ông đã mạnh dạn phát triển mô hình VAC tổng hợp (chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh), từng bước đầu tư mạnh về lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo nhóm hộ… Năm 2009, ông xây dựng mô hình VAC trên diện tích 1,08ha, trong đó nuôi lợn từ 30-50 con, nuôi gà mỗi lứa từ 3.000-4.000 con và đào 3 ao thả cá diêu hồng. Nhận thấy mô hình phù hợp với hướng phát triển kinh tế chung của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn, gà, mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tìm kiếm con giống mới đưa vào nuôi trồng như nuôi tôm công nghiệp, thả cá xen canh tôm thẻ chân trắng... Đồng thời, ông nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, xây dựng chuồng trại và ao nuôi; phát triển quy mô chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn, vệ sinh. Năm 2019, nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của HND các cấp, tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thuỷ sản số 1 xã Hải Đông được thành lập với 91 thành viên. Ông cùng các thành viên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, cùng nhau trao đổi, cập nhật thông tin về thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu và tham quan các mô hình hay, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để cải thiện mô hình của bản thân. Tổ hội còn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi với phương châm “Dám nghĩ, dám làm và dám đột phá”, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm sạch có chất lượng. Nhờ đó, trang trại của ông ngày càng phát triển cả về diện tích, quy mô và hiệu quả. Trải qua không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, đến nay, gia đình ông đang duy trì 5 trại lợn trên địa bàn 4 xã với 3.000 con/lứa, 6 trang trại nuôi gà với 4,5 vạn con/lứa, 5 ao cá diêu hồng và cá truyền thống các loại, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng. Trang trại đón tiếp nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi kinh nghiệm; tổ chức các hội nghị đầu bờ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, ông còn ký hợp đồng liên kết với Công ty Thức ăn gia súc JapFa Comfeed Việt Nam về cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi, qua đó cung cấp vật tư cho gần 20 hộ chăn nuôi gia trại ở các xã lân cận và trực tiếp bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.

Ông Lê Văn Cần, hội viên nông dân xã Yên Thọ (Ý Yên) nhiều năm qua đã thành công với mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Khởi nghiệp từ năm 2002 với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn ngoại thương phẩm, đến năm 2014, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, ông đã mạnh dạn dồn ruộng của gia đình đồng thời thuê thêm ruộng của các hộ ở khu vực Đình Kênh với diện tích 2ha để mở rộng mô hình chăn nuôi kết hợp với đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Nhờ áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi và học thêm sách báo, mạng internet, không ngừng “cập nhật” kiến thức mới; chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, trang trại của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khu chuồng trại được đầu tư xây dựng theo mô hình khép kín có quạt thông gió, hệ thống làm mát, sưởi ấm, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho đàn lợn phát triển; hệ thống phun thuốc sát trùng tự động, kho chứa thức ăn riêng, hệ thống máng tự động… Trang trại được ông Cần vận hành theo mô hình tuần hoàn: chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; qua hệ thống lọc nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi cắt làm thức ăn cho cá. Hiện nay, tổng diện tích chuồng trại của gia đình ông là 0,2ha, với tổng số đàn lợn nái 100 con, lợn đực giống 4 con, lợn thịt 400 con/lứa. Sản lượng thịt lợn đạt khoảng 10 tấn/năm, lợn giống xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con. Ngoài ra, ông còn đào 3 ao thả các giống cá truyền thống với diện tích 0,8ha và trồng cây ăn quả đặc sản như bưởi Diễn, mít Thái, nhãn lồng, vải thiều với diện tích 1ha. Tổng thu nhập trang trại đạt gần 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài các mô hình tiêu biểu trên, hội viên nông dân trong tỉnh đã phát huy thế mạnh của các địa phương về trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, xây dựng được những mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trang trại chăn nuôi lợn bằng thức ăn thảo dược theo phương pháp hữu cơ của hộ ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với diện tích chuồng trại 600m2, tổng đàn lợn trên 300 con, lợi nhuận thu được trên 1,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động. Mô hình chăn nuôi thỏ giống New Zealand của hộ ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với tổng đàn 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm, lợi nhuận thu được trên 1,4 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng kết hợp nuôi cá của hộ ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) trên diện tích 4ha, cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi, tôm thẻ chân trắng của ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), lợi nhuận thu được trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên. Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường), mỗi năm xuất bán từ 80 đến 100 tấn cá các loại, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng…

Toàn tỉnh hiện nay có 430 trang trại, trong đó 18 trang trại trồng trọt, 142 trang trại chăn nuôi, 159 trang trại thủy sản, 111 trang trại tổng hợp. Nhiều trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP… góp phần  thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com