Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Nam Trực hiện có gần 10 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 238 chi hội. Những năm qua, Hội CCB huyện tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Từ phong trào, nhiều hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Mô hình nuôi ngỗng đẻ trứng của ông Nguyễn Minh Bắc, xã Nam Hùng (Nam Trực) đảm bảo việc làm và mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. |
CCB Nguyễn Minh Bắc, phố Cầu, xã Nam Hùng là một trong những hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Ông Bắc chia sẻ, năm 1993 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông lập gia đình và gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Năm 1998, ông sang Liên bang Nga lao động hợp tác 7 năm rồi trở về quê hương. Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp phù hợp với gia đình, ông tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình sản xuất, tập trung trồng cây rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2014, xã Nam Hùng thành lập Tổ hợp tác xử lý rác thải, ông Bắc đảm nhận việc quản lý, vận hành, thu gom, xử lý rác thải. Ông cũng mày mò nghiên cứu cải tạo máy xử lý rác thải để giảm bớt sức lao động, tận dụng một phần rác thải sau xử lý để nuôi giun quế. Bên cạnh đó, trên diện tích hơn 10 nghìn m2, ông Bắc mở trang trại nuôi 1.100 con ngỗng trưởng thành đẻ hơn 400 quả trứng/ngày; đồng thời cung cấp ngỗng giống ra thị trường với giá từ 55 nghìn đồng đến 75 nghìn đồng/con. Trang trại của ông còn nuôi hơn 200 con vịt lấy thịt; trồng lạc, dưa leo, khoai tây... Gia đình ông Bắc là một trong số ít mô hình nuôi ngỗng thành công trên địa bàn huyện. Lợi nhuận từ chăn nuôi của gia đình luôn ổn định, đạt 500 đến 800 triệu đồng/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Nam Trực cho biết: Xác định phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, có năng suất, sản phẩm chất lượng, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng phong trào nền nếp, tạo sức lan toả sâu rộng. Để nâng cao hiệu quả phong trào, Hội CCB huyện thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, toàn huyện có 72 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 1 CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Nhiều tấm gương hội viên nỗ lực vươn lên, phát triển những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như: Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Long Vỹ do CCB Vũ Văn Vỹ làm giám đốc, sản xuất các sản phẩm đồ mộc dân dụng, lợi nhuận bình quân hàng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 8-10 lao động là con em CCB trên địa bàn; Công ty TNHH Dệt may Trường An của CCB Đặng Văn An, xóm Đông Thành, xã Nam Hồng chuyên sản xuất các loại khăn mặt, khăn ăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động; CCB Đỗ Đình Vãng, thôn Thượng, xã Điền Xá phát triển kinh tế từ nghề cây cảnh truyền thống, doanh thu hàng tỷ đồng/năm... Với mong muốn tập hợp hội viên CCB sản xuất, kinh doanh trong huyện, từ năm 2001, CLB “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” được thành lập, đến nay có 53 hội viên CCB tham gia sinh hoạt. Thông qua CLB, các thành viên được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giúp nhau làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm cho người lao động; tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên CCB huyện Nam Trực thời gian qua đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần từng bước nâng cao đời sống của CCB. Đến nay, số hội viên có kinh tế khá, giàu đạt 15%; chỉ còn 34 hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đời sống được nâng cao, hội viên CCB trong huyện tích cực tham gia ủng hộ các phong trào của địa phương như hiến đất làm đường, tham gia xây dựng đường xóm, ủng hộ phong trào của thanh, thiếu niên và các hoạt động thể thao, văn nghệ của khu dân cư; đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương. Tiêu biểu như Hội CCB xã Điền Xá tự nguyện hiến đất với tổng diện tích gần 400m2; tham gia đóng góp 385 ngày công lao động thực hiện các công trình giao thông trên con đường An Thắng, giúp các nhà thầu hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra.
Để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội CCB huyện Nam Trực tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, toàn diện; đẩy mạnh tập huấn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Diệu Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin