Trong những tháng đầu năm nay, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực với nhiều điểm nhấn đáng ghi nhận.
Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong khẩn trương hoàn thiện các hạng mục thi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận để cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp. |
Sau khi Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29-12-2023, lĩnh vực đầu tư các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngay trong tháng 3, một số KCN trọng điểm của tỉnh đã được nhà đầu tư tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các khâu chuẩn bị để sớm được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thi công. Cụ thể như Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP JSC) đang nỗ lực hoàn tất các khâu, thủ tục để được quyết định chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư KCN Hải Long trong quý IV-2024, khởi công thực hiện dự án trong quý III-2025. KCN Hải Long quy mô khoảng 1.100ha, thuộc địa bàn 4 xã của huyện Giao Thuỷ là Bạch Long, Giao Long, Giao Châu, Giao Nhân, được tỉnh xác định là dự án ưu tiên số 1 từ nay đến hết năm 2030 nhằm phục vụ thu hút phát triển các ngành nghề cơ khí chế tạo; cơ khí lắp ráp; dược phẩm; điện, điện tử; công nghiệp hỗ trợ; chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng; dịch vụ kho bãi, logistics; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế biến, sản xuất và chế tạo khác. Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các phần việc, thủ tục liên quan để bảo đảm kịp hoàn tất các thủ tục, nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày 20-9-2024, được phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1-1-2025 và khởi công trước ngày 1-7-2025 đối với dự án KCN Nam Hồng (Nam Trực) quy mô khoảng 200ha. KCN này phục vụ thu hút phát triển các ngành nghề công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, linh kiện điện tử và bán dẫn, sản xuất dược phẩm, lắp ráp ô tô. Cũng trong tháng 3, huyện Giao Thuỷ đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Giao Thiện. Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đầu tư 609 tỷ đồng nhằm cung ứng hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề gồm: Công nghiệp phụ trợ; cơ khí chế tạo máy; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (dệt may, da giầy, đồ chơi).
Hoạt động tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào tỉnh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quốc tế cũng gia tăng đáng kể vào đa dạng lĩnh vực ngành nghề. Công ty TNHH Công nghệ XGIMI (Hồng Kông, Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Ban Quản lý các KCN tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy chiếu đa chức năng và tivi laser tại KCN Mỹ Thuận. Đây là dự án đầu tư nhà máy đầu tiên tại nước ngoài của Công ty TNHH Công nghệ XGIMI với mong muốn kết hợp khai thác được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định.
Theo ông Trần Quang Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong (chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận): Thời gian qua, Công ty đã nhận được sự tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia hàng loạt chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước từ các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh. Vì vậy, dù hạ tầng chưa hoàn tất nhưng đến nay KCN Mỹ Thuận đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 182 triệu USD, tổng diện tích 37,6ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 31%; có 1 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tianhe ShiYe đã ký hợp đồng thuê hơn 24ha đất; 2 nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án sản xuất máy chiếu đa chức năng, tivi laser và sản xuất màng bọc thực phẩm; một số nhà đầu tư như Công ty XGIMI (Hồng Kông), Tập đoàn Gen Ye (Đài Loan, Trung Quốc), Công ty năng lượng mới Tây Hoa đang nghiên cứu đầu tư...
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tính riêng 2 tháng đầu năm 2024: Toàn tỉnh đã có 211 doanh nghiệp và 17 chi nhánh, văn phòng đại diện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.584,6 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 12.178 doanh nghiệp và 931 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 118.563,2 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 10,1% với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án (bao gồm 5 dự án đầu tư trong nước và 7 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 917,8 tỷ đồng và 78,9 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 7 dự án đầu tư (3 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 854,8 tỷ đồng và 76,0 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn 5 dự án đầu tư (2 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 63,0 tỷ đồng và 2,9 triệu USD. Việc gia tăng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần nâng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,49%. Việc có thêm nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài chủ động quan tâm, tiếp cận, xúc tiến và đi đến quyết định đầu tư các dự án tại địa bàn tỉnh cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư tại Nam Định ngày càng tăng cao.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao sức hút cho môi trường đầu tư của Nam Định, tỉnh tiếp tục thực hiện quan điểm “coi các nhà đầu tư như công dân danh dự của tỉnh”, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, tỉnh chỉ đạo duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kịp thời chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng đầu tư, xây dựng, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh đào tạo nghề, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, kỹ năng công nghệ số, kỷ luật, văn hóa cho lực lượng lao động, đặc biệt trong những ngành ưu tiên thu hút đầu tư, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu sử dụng lao động, nhất là các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Tích cực bố trí nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên hoàn, kết nối. Quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính. Về lâu dài, tỉnh sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp để hướng đến cung cấp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp một môi trường kinh doanh tốt, lành mạnh với 10 nhóm chỉ số thành phần đạt chuẩn cao gồm: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận và phù hợp với doanh nghiệp; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin