Trong nhóm các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống gian lận thương mại (GLTM) năm 2024 mà Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, GLTM (BCĐ 389) đề ra thì công tác phối hợp lực lượng giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Đây được coi là giải pháp tạo thế và lực nhanh, mạnh nhất của lực lượng chức năng nhằm kịp thời ứng phó với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các gian thương trong cả môi trường kinh doanh truyền thống và ứng dụng thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát, giao hàng qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính.
Lực lượng liên ngành Quản lý thị trường và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mặt hàng phân bón lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên. |
Theo số liệu của BCĐ 389, năm 2023, các ngành thành viên đã xử lý 1.461 vụ việc GLTM, nộp ngân sách Nhà nước trên 94,136 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa thanh lý đạt trên 3,573 tỷ đồng. Nhiều vụ việc GLTM có quy mô lớn ở cả kênh thương mại truyền thống và kinh doanh trực tuyến bị phát hiện, xử lý nhờ sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định là cơ quan thường trực của BCĐ 389 tỉnh. Trong năm 2023, Cục đã chủ trì phối hợp với các ngành chức năng (Công an, Y tế, Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Hải quan, Bộ đội Biên phòng…) kiểm tra 45 lượt, xử lý 39 vụ, phạt vi phạm hành chính 1,175 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 497 triệu đồng; cử cán bộ tham gia phối hợp kiểm tra 288 lượt, xử lý 23 vụ, phạt 92 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 9,5 triệu đồng.
Đồng chí Lê Quang Tú, Cục trưởng Cục QLTT Nam Định cho biết: Được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, sự nỗ lực, phối hợp kịp thời của các ngành chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường; góp phần ổn định tình hình thị trường, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, GLTM, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tiêu biểu như vụ việc ngày 12-1-2024, đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành khám phương tiện vận tải là xe ô tô mang biển kiểm soát 18H-015.47 lưu thông trên địa bàn huyện Nam Trực. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có vận chuyển 1.057 sản phẩm quần áo các loại, 169kg vải vải khổ 1,5m có dấu hiệu vi phạm lỗi là lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin dấu hiệu buôn lậu, GLTM, hàng giả giúp lực lượng phối hợp ngăn chặt kịp thời nhiều vụ vi phạm. Trong đó vào tháng 7-2023, lực lượng QLTT phối hợp với lực lượng Công an, thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) phát hiện 130 bình khí mỏ hóa lỏng trưng bày tại cửa hàng đều giả mạo nhãn hiệu Petro Phúc Thái Gas, Petro Hồng Hà, Bình An Petro, Tài Lộc. Toàn bộ hàng hóa không có niêm màng co tại van chai; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu trên và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của cơ sở. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số tang vật trên với hành vi: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; bán lẻ LPG chai tại cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai theo quy định; sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ LPG chai không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Do vụ việc vượt quá thẩm quyền nên Cục QLTT tỉnh đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh với số tiền 65 triệu đồng và buộc tiêu hủy 130 LPG chai giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng QLTT còn thường xuyên phối hợp với người dân để nắm thông tin tố giác GLTM của các tiểu thương đối với những trường hợp dày công “ngụy trang” để tránh sự phát giác của lực lượng chức năng. Qua nguồn tin người dân cung cấp, ngày 27-12-2023 lực lượng QLTT đã phát hiện tại hộ kinh doanh Hằng Hải, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) 700 đôi dép không có nhãn hàng hóa, trên hàng hóa không thể hiện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và 60 hộp bánh gấu, 120 gói mứt hoa quả do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đang được lưu thông. Đoàn kiểm tra tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra lực lượng QLTT còn ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Viettel Nam Định trong việc phối hợp kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật gửi qua đường bưu chính trong nước. Những vụ việc được các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành nghề và người dân phối hợp phát giác, xử lý kịp thời ngăn chặn việc tiêu thụ hàng giả, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và là hồi chuông cảnh tỉnh những gian thương cố tình vi phạm pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa phát triển, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp nắm tình hình địa bàn, đẩy mạnh trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, các lực lượng QLTT, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành là lực lượng nòng cốt đẩy mạnh công tác phối hợp toàn diện từ cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu; tổ chức đoàn kiểm tra; kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa trên các tuyến giao thông; bàn giao, tiếp nhận, xử lý các vụ việc theo thẩm quyền./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin