Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

21:20, 04/01/2024

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với trên 90 nghìn ha đất canh tác phù sa màu mỡ, trên 17 nghìn ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực là những điều kiện thuận lợi để Nam Định triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) phát triển nghề trồng hoa cúc cho thu nhập cao.
Bài và ảnh: Lam Hồng - Ngọc Linh
Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) phát triển nghề trồng hoa cúc cho thu nhập cao

Ngay sau khi BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa triển khai thực hiện các nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết được đẩy mạnh. Qua đó, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết và những nội dung  trọng tâm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy. Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảng gắn với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình phù hợp với tình hình, nhiệm vụ thực tế.

Để phát triển “tam nông” theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn. Tập trung thu hút các nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc phát triển “tam nông” của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Nổi bật là, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn (chiếm 93,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%). Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai với sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác trồng trọt năm 2023 ước đạt trên 130 triệu đồng. Các địa phương tập trung thực hiện nhân rộng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “Cánh đồng lớn”, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hướng hữu cơ... để tham gia liên kết chuỗi giá trị. Năm 2023 xây dựng được 399 “cánh đồng lớn” với diện tích 18.599ha (trong đó có 3.916ha được bao tiêu sản phẩm). Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%. Năm 2023 toàn tỉnh đã chuyển đổi được khoảng 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác và lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-10 lần so với trồng lúa, như: Mô hình cây dược liệu (dây thìa canh, đinh lăng), các mô hình trồng cà chua, dưa chuột ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP, hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Tuần hoàn Đình Mộc; mô hình trồng rau an toàn theo VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường; mô hình trồng ổi, bưởi tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng... Sản xuất chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, các mô hình nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi giá trị; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP được mở rộng. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển toàn diện các mặt nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển. Nuôi trồng thủy sản phát triển đồng đều trên cả vùng nuôi mặn lợ và vùng nuôi nước ngọt theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi và hình thức nuôi; hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyển đổi dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Khai thác thuỷ sản từng bước nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giảm dần số lượng tàu cá và cường độ khai thác hải sản vùng ven bờ. Kinh tế trang trại chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh với 430 trang trại. Các trang trại ngày càng tăng về quy mô, sau khi thuê gom, tích tụ ruộng đất, các hộ đã đầu tư máy móc và ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất hiệu quả. HTX nông nghiệp có bước phát triển mới. Toàn tỉnh hiện có 385 HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân năm 2023 ước đạt 1 tỷ 500 triệu đồng/HTX...; xây dựng và phát triển ổn định 39 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, các hộ nông dân và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh còn có 142 làng nghề, trong đó 80 làng nghề được công nhận, thu hút khoảng 42 nghìn lao động tham gia sản xuất, giá trị sản xuất đạt trên 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như GCF, WB, ADB... để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học, công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển của ngành; tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng hóa.

Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh ta đã đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện các mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.

Bài và ảnh: Lam Hồng - Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com