Nhìn lại công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

08:28, 03/01/2024

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 7.771 tỷ đồng. Trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) tại một số địa phương trên toàn quốc còn thấp, thì kết quả giải ngân vốn ĐTC toàn tỉnh năm 2023 được đánh giá là tích cực dù chỉ đạt 87,5% kế hoạch năm.

Thi công dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển góp phần nâng cao năng lực kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thi công dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển góp phần nâng cao năng lực kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

ĐTC năm 2023 tăng nhiều về vốn, nhất là ĐTC cấp huyện. So với năm 2022 tổng vốn ĐTC toàn tỉnh tăng 21,2%; trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 7.011 tỷ đồng, tăng 19,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 478 tỷ đồng, tăng 115,4%... Chất lượng, hiệu quả bố trí vốn ĐTC cao do được chú trọng đầu tư vào các công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, hạ tầng khu đô thị, điểm dân cư tập trung. Nhiều dự án ngay từ khi triển khai, xây dựng đã mang lại những hiệu quả tác động tích cực, tạo sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng, trở thành một động lực để nền kinh tế hồi phục và phát triển. Đáng kể như các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần giai đoạn II; Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã tạo hiệu ứng “vốn mồi”, kích thích các nguồn lực đầu tư khác tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 55.565 tỷ đồng, tăng 17,0% so với năm 2022. Trong đó vốn ngoài Nhà nước 40.153 tỷ đồng, chiếm 72,2% và tăng 16,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.663 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 18,2%. Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế, như ngành xây dựng và các ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh phục vụ xây dựng, giúp khối doanh nghiệp và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất. 

Tuy vậy, năm 2023 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với hoạt động giải ngân vốn ĐTC. Nhóm 5 dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đã được ngân sách Trung ương bố trí tổng số vốn 1.511 tỷ đồng để triển khai thực hiện) nhưng do thông báo vốn chậm; trong khi phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định, mất nhiều thời gian nên dù chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) và các đơn vị liên quan đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng nhưng nhóm dự án này chưa có nhiều khối lượng thi công để giải ngân vốn. Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số công trình trọng điểm còn chậm như: Giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490); các dự án Khu dân cư tập trung... Một nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC phải kể đến là công tác chuẩn bị đầu tư và quản lý đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Một số chủ đầu tư lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Việc khảo sát, đề xuất dự án, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa kỹ càng, chưa sát với thực tế, chất lượng tư vấn chưa đảm bảo nên một số dự án sau phê duyệt thời gian quá ngắn đã phải điều chỉnh. Một số dự án chưa được thực hiện đúng thời gian theo quy định, việc xác định quy mô dự án chưa phù hợp, phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian thực hiện dự án, giảm hiệu quả đầu tư; cá biệt còn có dự án hết thời gian thực hiện mà không tiến hành điều chỉnh dự án.

Để đạt được kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn, vướng mắc, phải kể đến vai trò quyết liệt chỉ đạo, điều hành thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tại các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng, đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đều yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương rà soát, nắm bắt và bàn bạc phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn ĐTC. Ngay sau quý I-2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 741/QĐ-UBND, ngày 14-4-2023, thành lập 3 Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc công tác chỉ đạo, điều hành về giải ngân vốn ĐTC. Đây là một cách làm rất mới, thể hiện sự quyết liệt của tỉnh nhằm thúc đẩy ĐTC. Các Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra tại từng địa phương, tìm hiểu nguyên nhân tốc độ giải ngân vốn ĐTC chưa được như mong muốn và tìm ra phương án xử lý, tháo gỡ đối với các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thực hiện các thủ tục để phê duyệt đầu tư, việc đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vốn của các dự án ĐTC năm 2023. Tỉnh cũng quyết liệt yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư các dự án nâng cao trách nhiệm, tập trung chấn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư và điều chỉnh dự án ĐTC trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp để khắc phục tình trạng trình phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần liên quan đến thay đổi các nội dung chi tiết của dự án (như quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, địa điểm thực hiện, thời gian thực hiện…). Kiểm soát chặt chẽ quy mô dự án đầu tư từ giai đoạn đề xuất dự án, quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo quy mô đầu tư các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng, kế hoạch công trung hạn và các quy hoạch, kế hoạch, dự án có liên quan, tránh để xảy ra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trước khi trình duyệt chủ trương, không để xảy ra trường hợp phải điều chỉnh do sai sót ngay trong quá trình lập chủ trương đầu tư; không triển khai thực hiện đúng thời gian dự án theo quy định, ảnh hưởng đến giải ngân vốn ĐTC, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tiếp tục tăng tốc ĐTC là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Do vậy, cùng với sự điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phát huy cao nhất vai trò của các Tổ công tác của UBND tỉnh; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa phương và chủ đầu tư các dự án, công tác giải ngân vốn ĐTC năm 2024 được kỳ vọng sẽ “thần tốc” và đột phá hơn./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com