Tại các địa phương trong tỉnh, tổng đàn lợn nuôi đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi khí hậu diễn biến bất thường, đồng thời bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố…, tiềm ẩn nguy cơ rất cao phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Trang trại của gia đình anh Đoàn Văn Hùng, xóm Đồng Nhân, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khu vực chuồng nuôi để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm an toàn đàn lợn nuôi. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 570 ổ dịch bệnh DTLCP, buộc tiêu hủy trên 27 nghìn con lợn tại 45 tỉnh, thành phố; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong tỉnh, tính đến đầu tháng 12-2023, ước tổng đàn lợn là 590.298 con, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước. Hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được áp dụng tích cực. Hiện, toàn tỉnh có 444 trang trại chăn nuôi đảm bảo theo quy định của Luật Chăn nuôi, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 152 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 282 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Có 4 trang trại quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; 31 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh (1 cơ sở chăn nuôi cấp xã), trong đó có 29 cơ sở chăn nuôi lợn được công nhận an toàn với bệnh dịch tả lợn và lở mồm long móng… Tuy nhiên có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể phát sinh, lây lan các mầm bệnh như: Thời tiết diễn biến bất thường, ngày nắng, đêm lạnh buốt, trời nhiều sương, ảnh hưởng đến sức đề kháng, gây bất lợi cho sức khỏe đàn lợn và thuận lợi cho phát sinh các loại mầm bệnh. Mặt khác, vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn tại các địa phương, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng trong dịp cuối năm.
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16-11-2023 và chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-9-2020 của UBND tỉnh về việc phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025 và Công văn số 556/UBND-VP3 ngày 7-8-2023 của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh và sử dụng vắc-xin phòng bệnh DTLCP.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Ý Yên chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học, hạn chế không để mầm bệnh lây lan. Đồng thời, chủ động nắm tình hình bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm nói chung, đàn lợn nói riêng, thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định cho cán bộ thú y khi phát sinh ca bệnh mới. Khuyến cáo người dân không mua bán, trao đổi, vận chuyển lợn mắc bệnh ở vùng dịch về địa phương và ngược lại. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, tổ chức rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi; khử trùng nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi; chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không để phát sinh, lây lan. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở chăn nuôi, mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh DTLCP; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch, mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết bừa bãi làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của lợn như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, nhất là vắc-xin DTLCP cho đàn lợn thịt, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc-xin. Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác. Đồng chí Nguyễn Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT thành lập các đoàn công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn trái phép”.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp của ngành chức năng, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như chủ động chống rét, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khép kín để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, không để bệnh DTLCP phát sinh, lây lan, bảo đảm an toàn cho đàn lợn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thịt lợn cho tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin