Công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh luôn được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. Tuy nhiên, qua đợt thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 8 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô vừa qua của Sở GTVT đã cho thấy một số bất cập, hạn chế cần có giải pháp khắc phục như: xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có một số loại hình kinh doanh vận tải hành khách đường bộ mới phát triển nhưng chậm có văn bản pháp luật điều chỉnh đã dẫn đến những hệ quả bất cập về quản lý cũng như nhu cầu đời sống. Bên cạnh đó, mô hình quản lý tại một số đơn vị vận tải chưa phù hợp, chưa chặt chẽ, không theo kịp xu hướng đổi mới phát triển, ảnh hưởng đến trật tự trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ.
Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông Vận tải) kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. |
Sở GTVT đã thực hiện thanh tra tại 7 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và hợp đồng gồm các công ty cổ phần vận tải: Hải Hà (31 xe tuyến cố định, 2 xe hợp đồng), Hà Trường Kỷ (7 xe tuyến cố định, 3 xe hợp đồng), Nam Trực (28 xe tuyến cố định); 2 hợp tác xã vận tải: Hòa Bình (67 xe tuyến cố định, 9 xe hợp đồng), đường bộ Quỹ Nhất (48 xe tuyến cố định, 3 xe hợp đồng); Công ty TNHH Ô tô Đại Duy (49 xe tuyến cố định, 23 xe buýt, 2 xe hợp đồng) và Công ty Cổ phần Thương mại du lịch và vận tải Thuận Phát (13 xe tuyến cố định, 2 xe hợp đồng); 1 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh tại Nam Định có 14 xe. Kết quả cho thấy, các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách phù hợp; người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã đều có trình độ chuyên môn về vận tải (tối thiểu là sơ cấp), bảo đảm yêu cầu theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008; xe ô tô của các đơn vị phù hợp với quy định đối với từng loại hình kinh doanh vận tải hành khách: xe khách chạy theo tuyến cố định và xe buýt có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; có phù hiệu được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe...; xe buýt có đăng ký màu sơn đặc trưng; xe taxi có đăng ký biểu trưng (logo) và số điện thoại để liên hệ. Các đơn vị đều có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô vận tải, là đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của đơn vị, bảo đảm các yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định; được Công an tỉnh thẩm duyệt cấp giấy chứng nhận về phòng cháy và chữa cháy; đơn vị lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản và đăng ký với UBND huyện hoặc thành phố Nam Định thẩm tra cấp giấy xác nhận. Các đơn vị vận tải thực hiện ký hợp đồng lao động bằng văn bản với 100% người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe) theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông (ATGT) cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe cơ bản theo quy định; có trang bị đồng phục cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Tất cả các đơn vị vận tải đã thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện cơ bản bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, truyền dẫn, cập nhật và lưu trữ thông tin theo quy định; có bố trí nhân sự theo dõi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị…
Bên cạnh những kết quả đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải xe khách vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cả 8 đơn vị chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định mà để lái xe tự đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế; tỷ lệ người lao động được đơn vị vận tải đóng các loại bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các quyền lợi theo quy định còn thấp. Chỉ có 2/8 đơn vị vận tải (đạt 25%) với tổng số 50/506 người lao động (đạt 9,9%), trong đó: lái xe 33/348 người (đạt 9,5%), nhân viên phục vụ trên xe 17/158 người (đạt 10,8%) thực hiện đóng các loại bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các quyền lợi cho một số lao động theo quy định của pháp luật về lao động; 6 đơn vị (chiếm 75%) với tổng số 456/506 người lao động (chiếm 90,1%) chưa được đơn vị vận tải đóng các loại bảo hiểm và thực hiện các quyền lợi theo quy định của pháp luật về lao động. Công tác tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và qua các biện pháp quản lý khác của đơn vị để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm còn bị động và hạn chế; đơn vị chưa chủ động khai thác dữ liệu mà chủ yếu sử dụng dữ liệu do Sở GTVT tổng hợp thông báo. Các thông tin về việc triển khai thực hiện công tác chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm chưa được ghi chép đầy đủ để phục vụ công tác theo dõi, quản lý của đơn vị. Đơn vị không lập sổ sách ghi chép, theo dõi nội dung công việc đã thực hiện trong ngày về các nội dung liên quan đến quy trình đảm bảo trật tự ATGT; công tác tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm đối với toàn bộ người lái xe của đơn vị khi xảy ra sự cố mất ATGT, tai nạn... chưa được thực hiện thường xuyên. Công ty Cổ phần Vận tải Hà Trường Kỷ có 3 xe (mang biển kiểm soát 18B-001.52, 18B-017.57 và 18B-011.94) được Sở GTVT cấp phù hiệu “xe hợp đồng” có giá trị đến ngày 31-10-2024; Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch và Vận tải Thuận Phát có 2 xe (18B-018.57; 18B-016.01) được Sở GTVT Nam Định cấp phù hiệu “xe hợp đồng” có giá trị đến ngày 31-3-2024 nhưng hoạt động thường xuyên trên tuyến như xe chạy tuyến cố định; các đơn vị không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách tới Sở GTVT, vi phạm quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Các đơn vị không sử dụng lệnh vận chuyển điện tử nên việc cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam theo lộ trình quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không thực hiện được. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vận tải Hà Trường Kỷ niêm yết giá cước từ năm 2016 đến nay không thay đổi.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị, hợp tác xã thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động; nghiêm túc có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn Thanh tra chỉ ra. Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục giao Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái có kế hoạch kiểm tra các bến xe và các đơn vị vận tải chưa được Sở GTVT thanh tra năm 2023 để phát hiện tồn tại, thiếu sót nhằm kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; chú trọng phát triển hội viên nhưng phải bảo đảm chất lượng hội viên, góp phần củng cố, tạo sự gắn kết, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng lĩnh vực./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin