Sản xuất vụ xuân năm 2024 trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ sản xuất, quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Nông dân xã Nam Thái (Nam Trực) cày lật đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2024 và cường độ có xu hướng giảm dần. Rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhưng không kéo dài. Nguồn nước trên hệ thống các sông tiếp tục thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn bùng phát trên cây trồng. Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động nông nghiệp do số lao động chuyển đổi ngành nghề làm việc trong các làng nghề, doanh nghiệp có thu nhập ổn định và cao hơn. Giá các loại vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng, trong khi giá bán nhiều loại nông sản không ổn định đã ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của các hộ nông dân. Mặt khác, một số cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự tạo nhiều động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Lường trước những khó khăn, thách thức đồng thời phát huy kết quả trong xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp những năm qua, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố, các công ty thuỷ nông chủ động khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến của thời tiết để sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao nhất trong mọi tình huống. Theo kế hoạch, toàn tỉnh gieo cấy 75.550ha lúa và 11.500ha cây rau màu các loại. Việc gieo mạ được thực hiện trước Tết Nguyên đán, tập trung từ ngày 1 đến 4-2-2024, cấy từ ngày 14-2 và kết thúc trước ngày 25-2-2024. Để bảo đảm sản xuất vụ xuân theo đúng kế hoạch đã xây dựng, căn cứ vào Công văn số 783/UBND-VP3 ngày 9-10-2023 của UBND tỉnh và Công văn số 3181/SNN-CCTL ngày 12-10-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc đẩy mạnh chiến dịch làm thuỷ lợi phục vụ sản xuất, dân sinh, đến thời điểm này các huyện, thành phố, các công ty thuỷ nông của các địa phương đã chủ động đào đắp, làm mới 4.300 bờ vùng, kênh khoảnh; kiên cố 71 kênh, 33 công trình đầu mối; nạo vét 72 cửa cống, bể hút trạm bơm; sửa chữa, bảo dưỡng 417 máy bơm, 214 máy đóng mở. Tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và triển khai xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh Trần Văn Dân, cho biết: Bám sát diễn biến thời tiết và 2 đợt xả nước các hồ thuỷ điện, Công ty xây dựng các phương án và lịch lấy nước phù hợp, bảo đảm đủ nước phục vụ làm đất, gieo mạ, cấy lúa, trồng màu vụ xuân 2024.
Cùng với việc đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất thì việc thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, bảo vệ lúa, cây màu có ý nghĩa quyết định đối với năng suất, chất lượng, sản lượng lương thực và giá trị thu nhập của người nông dân trong vụ xuân. Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Phát huy những kết quả trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các địa phương tập trung nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, hình thành thêm nhiều vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn sản xuất đồng trà, đồng giống… nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá quy mô theo chuỗi giá trị và hiệu quả cao; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Tập trung lực lượng, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất và hoàn thành trước Tết Nguyên đán; thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ tàn dư thực vật; tranh thủ tối đa mọi nguồn nước để thau rửa cho những ruộng nhiễm chua, mặn và phèn. Trong thâm canh lúa, sử dụng các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm; đối với chân ruộng nhiễm chua, mặn hoặc úng, trũng tăng cường sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao. Tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, sức chống chịu hạn, mặn, rét và khả năng kháng bệnh tốt để bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Trong chăm sóc lúa, thực hiện bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm, không bón lai nhai và không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân ruộng nhiễm chua, mặn, phèn. Đặc biệt các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê dồn đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích ruộng bị bỏ hoang để hình thành các vùng sản xuất tập trung; lựa chọn đối tượng chuyển đổi phù hợp và lập phương án chuyển đổi theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp tích tụ, thuê mượn ruộng để sản xuất hàng hoá theo cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, các huyện, thành phố khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các hình thức cơ giới hoá các khâu làm đất, gieo cấy bằng máy, cung ứng đầu vào gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân; tập trung nguồn kinh phí khuyến nông, kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP hoặc theo công nghệ Nhật Bản.
Sản xuất vụ xuân 2024 có vị trí quan trọng và là vụ có điều kiện thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tiếp tục thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, vì vậy trên cơ sở định hướng của Sở NN và PTNT các địa phương cần tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất và có giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế để bảo đảm giành thắng lợi./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin