Chợ truyền thống thích ứng với xu thế hiện đại

08:50, 22/12/2023

Chợ truyền thống là nơi giao thương hàng hóa và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và hoạt động thương mại điện tử đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ truyền thống. Nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại hoặc mua trực tuyến thay vì đến chợ. Trước thực tế đó, các tiểu thương tại chợ truyền thống đã từng bước thay đổi, đa dạng hóa cách thức phục vụ để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

So với mọi năm, mặt hàng quần áo bình dân tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) bán chậm, vì vậy tiểu thương tích cực bắt nhịp xu thế bán hàng để thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng.
So với mọi năm, mặt hàng quần áo bình dân tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) bán chậm, vì vậy tiểu thương tích cực bắt nhịp xu thế bán hàng để thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng.

Chợ Rồng, nơi được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất không chỉ của người dân thành phố Nam Định mà còn là nơi cung cấp hàng sỉ đi khắp các huyện và một số tỉnh, thành phố. Trước xu thế bán hàng mới, nhiều tiểu thương đã nhanh chóng thích ứng và đã mang lại hiệu quả bán hàng nhất định. Đã quá 13 giờ trưa, chị Vân vẫn say sưa livestream chào bán quần áo qua mạng. Hơn 2 năm qua, nhờ tích cực bán online nên nhiều khách biết đến sạp hàng của chị hơn. Chị cho biết, cứ tầm trưa mỗi ngày, chị đều livestream bán hàng hoặc tranh thủ chụp ảnh đăng Facebook, Zalo giới thiệu hàng. Vào khung giờ này lượng khách tương tác nhiều hơn, mọi người tranh thủ nghỉ giải lao nên có thời gian lướt điện thoại. Trước đây, khi thương mại điện tử chưa thịnh hành, quầy hàng của chị luôn tất bật khách ra khách vào, chủ yếu là khách ở các huyện lấy sỉ về bán; nhưng từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, để hàng không bị tồn ứ, chị đã học cách bán hàng trên các nền tảng xã hội và dần thành thạo việc vận hành online, có thể nắm bắt được các xu hướng và sức mua. Nhờ vậy, chị tự chủ động với cách thức bán hàng của mình để có thể giữ chân và thu hút khách hàng, cùng với chú trọng chất lượng sản phẩm, cung cấp nhiều dịch vụ hơn như giao hàng tận nơi; sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giảm giá trong các giờ vàng khuyến mại…

Không chỉ chị Vân, hầu hết các tiểu thương tại chợ Rồng đã thích ứng với xu thế bán hàng mới. Nhiều chủ sạp lớn tuổi không nhanh nhạy trong livestream cũng tìm cách kết bạn với các khách hàng “ruột” qua Zalo để giới thiệu mặt hàng mới tới bạn hàng, việc chốt đơn và gửi hàng chỉ qua chiếc điện thoại. Bà Hóa, chủ sạp bán các mặt hàng đồ lót, mũ, tất… cho biết, kể từ sau đại dịch COVID-19, chợ giảm khách rõ rệt. Một phần do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” hơn. Bên cạnh đó, số lượng bạn hàng từ các tỉnh huyện, tỉnh về đây để lấy hàng sỉ không còn nhiều mà chỉ giao dịch qua điện thoại. Nếu trước đây, mỗi tháng khách đến chợ nhập hàng ít nhất một lần, nhưng đến nay, họ không cần đi nữa mà chỉ cần ngồi nhà, chủ quầy sẽ chụp hình mẫu gửi qua Zalo cho xem, trao đổi giá cả và chốt số lượng. Xong, người bán sẽ đóng hàng gửi theo xe về tận nơi, rất nhanh chóng, thuận tiện.
Tại chợ vải Hoàng Ngân, hình ảnh nhiều người bán hàng ngồi xem điện thoại hay 2-3 người tụm lại tán chuyện với nhau ngày càng trở nên quen thuộc. Thu không đủ bù chi phí, khiến nhiều tiểu thương buộc phải bỏ chợ. Khu vực này có khoảng hơn 20 quầy hàng nhưng chỉ còn chừng chục quầy còn bán hàng. Tại khu vực bán đồ khô, bánh kẹo tại chợ Mỹ Tho khách cũng thưa thớt hơn những năm trước. Theo nhiều tiểu thương, trước đây chợ chủ yếu theo kiểu chờ khách đến, nhưng nay phải chủ động tìm khách hàng. Từ khách quen, tiểu thương chủ động xin số điện thoại để gọi điện cho khách mỗi khi có hàng mới. Khi khách đặt hàng sẽ giao hàng cho khách tận nơi. Bên cạnh đó là hình thức quảng cáo mặt hàng trên mạng Facebook, Zalo, Tiktok. Vì thế, mặc dù vắng khách nhưng số lượng hàng bán ra tuy không nhiều như trước nhưng vẫn đủ để tiểu thương duy trì.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 245 chợ truyền thống. Ngoài nhiệm vụ cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, chợ truyền thống còn là nơi tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Tuy nhiên, chợ truyền thống ngày một mất dần vị thế vốn có do sự cạnh tranh từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, shop và hình thức mua sắm trực tuyến đã làm thay đổi thói quen mua sắm của phần đông người tiêu dùng. Mặt khác, ở chợ truyền thống vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm, hàng hóa thiếu tính đa dạng. Trong khi đó, hiện nay, các loại hình kinh doanh hiện đại cung cấp hàng hóa đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại, chất lượng đảm bảo, giá cả được niêm yết rõ ràng đã tạo ra sự cạnh tranh rõ nét so với chợ truyền thống. Các loại hình này còn thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, chính sách chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng. Trước xu thế mới, không ít các tiểu thương chợ truyền thống nhanh chóng nhập cuộc “số hoá”, tìm hướng đi cho hoạt động kinh doanh và đón nhận các cơ hội, lợi ích mới. Nhiều tiểu thương khẳng định, cạnh tranh với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi “mọc” lên ngày càng nhiều, tiểu thương cũng “tự làm mới” mình để tìm kiếm khách hàng. Đáp ứng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng, một số tiểu thương đã nhanh chóng bắt nhịp, tạo tài khoản ngân hàng và tạo các mã QR giúp người tiêu dùng thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Không chỉ thay đổi hình thức bán hàng, các tiểu thương trong chợ truyền thống cũng thay đổi dần thái độ phục vụ người tiêu dùng, thân thiện mời chào không còn cảnh chèo kéo, tỏ thái độ khó chịu khi khách không mua, và nhất là không còn tình trạng thách giá quá cao. Mặc dù vậy, trước sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng, nhu cầu mua sắm của người dân, việc kinh doanh của nhiều tiểu thương ở chợ vẫn gặp không ít khó khăn. Qua khảo sát tại các chợ, nhiều tiểu thương đều cho biết tình trạng buôn bán giảm mạnh, nhất là tại các quầy hàng thời trang, phụ kiện quần áo, giày dép, ba lô, túi xách... Phần lớn do tiểu thương chưa thành thạo trong bán hàng online, chưa tìm kiếm được lượng khách hàng ổn định, phù hợp và nhu cầu mua sắm của người dân hiện tại đang phải thu hẹp do tình hình suy giảm kinh tế chung hiện nay.

Với các yếu tố như sự chủ động của các tiểu thương trong việc bắt kịp xu thế kinh doanh hiện đại, đa dạng dịch vụ và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; việc mua sắm tại chợ ngày một thuận tiện từ đi lại cho đến các hình thức thanh toán cùng với sự đổi thay về cách thức phục vụ, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén bắt kịp xu hướng tiêu dùng của các tiểu thương đã góp phần tạo ra sức sống mới cho chợ truyền thống. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com