Thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn thông

08:30, 29/11/2023

Chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông (HTKTVT) thụ động (cột ăng ten, nhà trạm) là xu thế tất yếu, không chỉ bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị. Nhờ đó, còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp viễn thông, nhất là khi các nhà mạng cùng triển khai dịch vụ 5G.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hệ thống nhà trạm thu phát sóng viễn thông trên địa bàn huyện Hải Hậu.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hệ thống nhà trạm thu phát sóng viễn thông trên địa bàn huyện Hải Hậu.

Nam Định là địa phương sớm được phê duyệt các quy hoạch phát triển viễn thông - bưu chính và công nghệ thông tin; Quy hoạch phát triển HTKTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025… là cơ sở tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông và phát triển dịch vụ. Đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh có 1.724 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), đạt trên 90% chỉ tiêu quy hoạch HTKTVT thụ động tỉnh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó có 234 trạm xây dựng trên đất công (trụ sở các sở, ngành, UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn) còn lại chủ yếu hợp đồng với các hộ dân, doanh nghiệp thuê đất có thời hạn để dựng nhà trạm. Đã kết nối internet băng rộng tới 100% xã, thị trấn, kịp thời khắc phục tình trạng lỗi mạng, lỗi đường truyền, đứt cáp thông tin, để đảm bảo thông tin thông suốt và chất lượng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân; phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh có 148/152 trạm BTS phát triển mới sử dụng chung hạ tầng, đạt 28,5%. Giai đoạn 2020-2022 có thêm 143/366 trạm BTS được các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung, đạt tỷ lệ 36,6%.

Việc dùng chung hạ tầng viễn thông chủ yếu dưới hình thức các doanh nghiệp cùng thuê lại hệ thống cột treo cáp của Điện lực và dùng chung một số trạm BTS mới xây dựng chứ chưa đầu tư cống, bể chạy cáp ngầm. Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông chưa đạt so với yêu cầu tại Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là 40% trong giai đoạn 2020-2022 và 50% vào năm 2025. Lý do các doanh nghiệp viễn thông đưa ra là khi dùng chung hạ tầng viễn thông sẽ gây ra nhiều bất cập, chồng chéo; trong đó, bất lợi nhất là vấn đề thống nhất về độ cao lắp đặt thiết bị cũng như đơn giá thuê dịch vụ giữa các doanh nghiệp. Từ thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng sản phẩm khác nhau, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng để phát huy thế mạnh các sản phẩm của mình nhằm chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác do quy định và chế tài yêu cầu dùng chung hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là cơ chế giá thuê còn khó thực hiện; khi thay đổi công nghệ thì các doanh nghiệp cần bổ sung trên hạ tầng dùng chung cho nên rất khó thống nhất cùng đầu tư nâng cấp hạ tầng cũng như giá cả thuê. Cho nên, các doanh nghiệp viễn thông muốn phát triển độc lập, không muốn dùng chung hạ tầng do còn nhiều vướng mắc trong vấn đề phối hợp để đầu tư kinh phí.

Thực tế này bắt buộc các nhà mạng phải chủ động dùng chung hạ tầng và tận dụng cả hạ tầng của nhiều ngành khác nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư. Để thúc đẩy việc dùng chung hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông, UBND tỉnh đã yêu cầu 100% các khu đô thị, khu công nghiệp mới có hạ tầng cống, bể cáp đáp ứng nhu cầu ngầm hóa hệ thống cáp ngoại vi của các doanh nghiệp viễn thông. Sở Thông tin và Truyền thông đã có những định hướng và những giải pháp cơ bản để đảm bảo phát triển của hạ tầng viễn thông theo hướng bền vững. Theo đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt cùng đầu tư và sử dụng chung hạ tầng viễn thông. Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương để xác định, công bố công khai hạ tầng kỹ thuật liên ngành mà các doanh nghiệp viễn thông có thể sử dụng chung; phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung và xử lý các vướng mắc, tranh chấp về việc tiếp cận, chia sẻ, sử dụng chung, giá thuê… HTKTVT thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng thuận, ủng hộ phát triển hạ tầng viễn thông theo quy định. Đồng thời gấp rút lấy ý kiến một số sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án thống nhất quản lý, xây dựng và sử dụng chung HTKTVT (nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm...); sử dụng chung HTKTVT với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; ngầm hóa, chỉnh trang mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng quy hoạch HTKTVT thụ động tại địa phương và quy định bắt buộc sử dụng chung cơ sở hạ tầng tại một số khu vực nhất định để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ viễn thông thuận lợi, nhanh chóng và bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân ngày càng lớn. Đặc biệt khi triển khai hiệu quả mạng 5G sẽ cần số trạm BTS rất lớn, mật độ dày đặc (do phạm vi phủ sóng của trạm 5G chỉ được 20 đến 100m trong khi với các trạm 2G, 3G, 4G do sử dụng băng tần thấp có thể phủ sóng trong phạm vi 2 đến 15km) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị và lãng phí lớn cho các doanh nghiệp viễn thông./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com