Hiệu quả tích cực từ chính sách tín dụng cho người hoàn lương

08:27, 29/11/2023

Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Những khách hàng đầu tiên của chương trình vay vốn này vừa được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh giải ngân thành công.

Với 100 triệu đồng vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, gia đình chị Vũ Thị Phương ở thôn Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) sẽ có điều kiện mở rộng kinh doanh đồ gia dụng, tăng thêm thu nhập.
Với 100 triệu đồng vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, gia đình chị Vũ Thị Phương ở thôn Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) sẽ có điều kiện mở rộng kinh doanh đồ gia dụng, tăng thêm thu nhập.

Ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động báo cáo, tham mưu với HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay, đồng thời tích cực huy động nguồn vốn nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù. Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp tích cực phối hợp chính quyền địa phương, Công an các cấp; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm, tổ dân phố tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện; hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ và giải ngân vốn vay theo đúng quy định, tư vấn sử dụng vốn vay đúng mục đích. Công an các địa phương tích cực quan tâm đến việc lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để chuyển cho NHCSXH làm căn cứ cho vay; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH cùng các hội, đoàn thể xã, thị trấn trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ. Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, lãi suất cho vay đối với khách hàng này bằng lãi suất cho vay diện hộ nghèo theo quy định từng thời kỳ, hiện ở mức 0,55%/tháng, tương đương 6,6%/năm. Thời hạn vay theo chương trình này là 5 năm kể từ ngày giải ngân; phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Mức vốn đối với vay vốn để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động.

Tại điểm giao dịch xã Hiển Khánh (Vụ Bản), gia đình chị Vũ Thị Phương trú tại thôn Hạnh Lâm không giấu nổi niềm vui khi được giải ngân nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chị Phương cho biết: “Được NHCSXH huyện Vụ Bản; các hội, đoàn thể xã, chính quyền tại địa phương tạo điều kiện, gia đình tôi đã được giải ngân 100 triệu đồng theo chương trình tín dụng mới để mở rộng kinh doanh đồ gia dụng. Đây sẽ là động lực lớn để chồng tôi cũng như gia đình vượt qua mặc cảm, thêm quyết tâm chí thú làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành một công dân tốt. Với nguồn vốn trên, gia đình tôi sẽ đầu tư mua 1 xe ô tô tải để vận chuyển buôn bán đồ gia dụng thêm ở chợ Lời, chợ Đống Lương, tăng thêm thu nhập”. Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Hiển Khánh cho biết: “Chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách hết sức nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện giúp hộ gia đình có người thuộc đối tượng này tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn để học nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Hiện tại, trên địa bàn xã có 10 hộ đủ điều kiện vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến các hộ hiểu rõ về chính sách hết sức nhân văn này của Chính phủ, đảm bảo giải ngân vốn kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn giúp cho người chấp hành án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời”. Cùng chung nỗi niềm với gia đình chị Phương, anh Bùi Văn Hướng ở thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) vừa mãn hạn tù, trở về địa phương từ tháng 3-2023 đã được NHCSXH huyện giải ngân vốn vay 100 triệu đồng để mở rộng kinh doanh cửa hàng ăn uống. Anh Hướng cho biết: “Mong muốn duy nhất của tôi là được bù đắp giúp vợ quãng thời gian 2 năm vừa qua. Vì thế, nguồn vốn sẽ là động lực to lớn, ý nghĩa giúp tôi thực hiện được mong muốn đó. Tôi hứa sẽ sử dụng tốt, hiệu quả nhất nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh doanh, ổn định cuộc sống”. Trong tháng 11-2023, NHCSXH tỉnh đã tập trung giải ngân được 6 hộ gia đình đủ điều kiện theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với tổng 580 triệu đồng tại địa bàn các huyện: Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy, Mỹ Lộc.

Giải ngân vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cho khách hàng tại phòng giao dịch NHCSXH huyện Giao Thủy. ĐT
Giải ngân vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cho khách hàng tại phòng giao dịch NHCSXH huyện Giao Thủy.

Có thể thấy rằng, Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn có việc làm, góp phần phát triển kinh tế hộ nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Qua đây thể hiện bản chất nhân văn của Nhà nước và cộng đồng xã hội trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với người một thời từng lầm lỡ, giúp họ có những điều kiện thuận lợi để sớm tái hòa nhập cuộc sống. Người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng này sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù; tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phát triển quy mô sản xuất, qua đó cũng tạo thêm được nhiều việc làm mới cho người lao động.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cho vay theo quy định nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện với phương châm “Phục vụ tại nhà - Giải ngân tại xã”. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương và lực lượng Công an các cấp giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay và thu hồi nợ, đảm bảo chương trình được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com