Huyện Hải Hậu phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương

17:35, 29/11/2023

Phát huy thế mạnh có đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề nông thôn, những năm qua, huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa nhiều sản phẩm địa phương vươn xa ra các thị trường rộng lớn.

Sản xuất sản phẩm OCOP Chả cá Tâm An tại thị trấn Thịnh Long.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Sản xuất sản phẩm OCOP Chả cá Tâm An tại thị trấn Thịnh Long.

Là thị trấn ven biển có lợi thế du lịch và các ngành kinh tế biển lâu đời (đánh bắt hải sản, sản xuất một số loại ngư cụ, chế biến hải sản theo phương pháp truyền thống...), thị trấn Thịnh Long đã phát triển được 25 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên với nhiều đặc sản có thương hiệu được thị trường đón nhận như: nước mắm, chả mực, mắm tôm, sứa ăn liền, chả cá, chả ốc… Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết: Triển khai Chương trình OCOP, thị trấn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất về cách xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; kỹ năng marketing phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã hiểu và tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, nỗ lực xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Điển hình là Công ty TNHH Quý Thịnh ở tổ dân phố 13 với 3 sản phẩm là Chả cá Tâm An, Chả mực Tâm An đạt hạng OCOP 4 sao và Xúc xích Sunny đạt hạng OCOP 3 sao; Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh có 2 sản phẩm Mắm tép Tân Phú, Mắm tôm Tân Phú đạt hạng OCOP 3 sao và 1 sản phẩm Nước mắm Tân Phú đạt hạng OCOP 4 sao; Công ty TNHH Chế biến hải sản Tân Long với 2 sản phẩm OCOP 3 sao là Sứa ăn liền Tân Long và Mắm tôm Tân Long…

Để chương trình OCOP lan tỏa thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh và thực tế ở địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên các thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. Cùng với đó, huyện quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm OCOP. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng. Đến nay, Hải Hậu là huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh với 88 sản phẩm; trong đó có 76 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng là Ecohost Hải Hậu đang được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn huyện đều là những nông sản đặc trưng như các đặc sản về gạo: Gạo Tết Vua ở xã Hải Cường; Gạo nếp Vò Gi ở xã Hải Hà; Gạo tám xoan Hải Hậu ở xã Hải Long; Gạo nếp Bắc ở xã Hải Đường và các loại nông sản, thực phẩm khác như Trà dây thìa canh ở xã Hải Lộc; Bánh nhãn Tết Vua ở xã Hải Bắc; Muối biển sạch Vạn Ninh ở xã Hải Đông; Nước mắm Nhà thờ đổ ở xã Hải Lý; Trà Thanh Tâm An ở xã Hải Tây… Các sản phẩm OCOP thế mạnh theo chân khách hàng còn là “sứ giả tiếp thị” quảng bá về mảnh đất, con người Hải Hậu với du khách trong và ngoài nước; thu hút mọi người về tham quan, trải nghiệm nơi xuất xứ các sản phẩm độc đáo. Nhờ đó, góp phần phát triển cho du lịch địa phương cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tháng 10-2023, UBND huyện Hải Hậu đã đề nghị và được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng thêm 8 sản phẩm OCOP, trong đó các sản phẩm: Nước mắm Vạn Hoa, Mắm tôm Vạn Hoa, Sứa ăn liền Vạn Hoa, Nước mắm Ninh Cơ, Mắm tôm Ninh Cơ, Sứa ăn liền Ninh Cơ, Nước mắm Tân Phú được nâng từ 3 sao lên 4 sao; sản phẩm Du lịch cộng đồng Ecohots được nâng từ 4 sao lên 5 sao.

Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho biết: Để tiếp tục, quản lý, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn thông báo, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đã hết thời hạn, nếu có nhu cầu đăng ký công nhận lại hoặc nâng hạng sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để đánh giá lại theo quy trình quy định. Lựa chọn các sản phẩm thế mạnh như thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, du lịch... của địa phương để hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP và hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP. Trước mắt trong tháng 12-2023 sẽ đôn đốc các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để công nhận lại 44 sản phẩm, đồng thời công nhận mới 15 sản phẩm. Dự kiến tháng 1-2024 sẽ họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện để xem xét đánh giá, phân hạng các sản phẩm…

Tích cực thực hiện Chương trình OCOP, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể sản xuất ở địa phương trong phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu theo đặc trưng vùng miền, tiếp thêm động lực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với hình thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân đã giúp huyện Hải Hậu vững bước trên hành trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com