Để góp phần thực hiện hiệu quả chương trình thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS), tham gia các hoạt động tài chính trên môi trường số, thời gian qua, các ngân hàng trong tỉnh đã tích cực cung ứng các dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ số, phục vụ riêng nhóm đối tượng DN.
Sản xuất khóa cửa thông minh tại xóm Tây Nam Tiến, xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Tại hệ thống BIDV trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, các chi nhánh đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ - có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ DN. Đến nay, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm; đồng thời chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Không chỉ giảm lãi suất cho vay, BIDV còn chủ động miễn/giảm phí dịch vụ như: Chương trình DigiUp dành cho DN sử dụng ứng dụng BIDV iBank; BIDV iConnect với hơn 12 loại phí được miễn/giảm; Chương trình Trade Booming ưu đãi về tỷ giá, miễn phí chuyển tiền quốc tế… cho các DN xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, BIDV chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ; số hóa quy trình từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn của DN đến phê duyệt, giải ngân nhằm đơn giản hóa thủ tục; tích cực phát triển và đưa các sản phẩm tín dụng lên kênh số (website, mobile app, SMS) giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ, tiết giảm thời gian xử lý. BIDV cũng thường xuyên rà soát các quy định nhằm tinh giản quy trình, thủ tục đối với khách hàng; xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa với cơ chế đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý. BIDV cũng ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như: Gói sản phẩm tài trợ DN ngành dược phẩm, ngành sản xuất thiết bị điện, ngành xây lắp... Ngoài các giải pháp trên, BIDV cũng quán triệt toàn hệ thống chủ động phân nhóm khách hàng để triển khai những giải pháp hỗ trợ hợp lý, cung ứng vốn tín dụng giúp khách hàng phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững thông qua nền tảng số BIDV SMEasy; tham gia các hội nghị kết nối, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN, UBND các tỉnh tổ chức nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh cho DN.
Tại Vietcombank Chi nhánh Nam Định cũng tích cực triển khai các giải pháp giải ngân điện tử cho khách hàng, áp dụng CĐS trong quy trình cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn trên môi trường số, nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cũng như cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng; chính sách tài sản bảo đảm cũng linh hoạt, phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng, từng phương án kinh doanh. Với những đổi mới, sáng tạo liên tục trong công cuộc CĐS, Vietcombank ngày càng mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng trên nền tảng ngân hàng điện tử được thiết kế chuyên biệt cho từng đối tượng khách hàng như: VCB Digibank dành cho khách hàng cá nhân, VCB DigiBiz dành cho khách hàng DN vừa và nhỏ. Đối với khách hàng DN và tổ chức, Vietcombank đã phát triển thành công Hệ thống VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. Với ngân hàng hợp kênh Omni-channel, VCB CashUp được thiết lập với giao diện thông minh trên tất cả các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng; đồng thời, đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của DN. Vietcombank cũng đã đi đầu triển khai Dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến đảm bảo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho DN trong lĩnh vực tài trợ thương mại.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cung cấp ứng dụng VietinBank eFAST nhằm hỗ trợ DN thực hiện giao dịch tài chính và quản lý tài khoản mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối internet. Ứng dụng Techcombank Business Mobile của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam giúp khách hàng DN chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ (điện, nước, thuế, hải quan...), chuyển tiền theo lô, trả lương và quản lý tài chính trên đa nền tảng và bảo mật nhiều loại giao dịch khác nhau.
Việc chủ động cung ứng đa dạng các ứng dụng số đã giúp các DN thuận lợi trong giao dịch, quản lý tài chính trên môi trường số, góp phần gia tăng số vốn cho DN vay của ngành ngân hàng. 9 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho vay DN đạt 28.350 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 9-2023 đạt 15.177 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng dư nợ cho vay và chiếm 53,5% dư nợ cho vay DN. Nhiều DN đã tích cực CĐS trong các hoạt động giao dịch, quản lý tài chính nhờ vào các dịch vụ ngành ngân hàng cung cấp như: trả lương, trả tiền điện, nước, cước viễn thông, thuế điện tử, giao dịch thanh toán đơn hàng, tiếp cận với các khoản vay ngắn hạn phục vụ các đơn hàng cuối năm, tiết giảm chi phí và nhân lực kế toán, tài chính, tăng cường hiệu suất làm việc, quản lý hồ sơ, mở rộng thị trường tiêu thụ qua thương mại điện tử, quản lý dòng tiền…
Để thu hút DN ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng trên môi trường số, thời gian tới, các ngân hàng đẩy mạnh thiết kế các sản phẩm vay phù hợp, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ DN quản trị điều hành, tài chính - kế toán, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số giúp DN củng cố tài chính, số hóa hệ thống văn bản, số liệu, thu gọn mạng lưới phân phối truyền thống như cửa hàng và đại lý, từng bước chuyển dịch sang phương thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó, bản thân các DN cũng cần quan tâm tăng cường đầu tư công nghệ, lựa chọn chiến lược CĐS phù hợp với thực tiễn trong các khâu sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, công cụ công nghệ số của ngân hàng cung cấp mới có thể phát huy hết hiệu quả giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong DN về CĐS, từng bước hình thành nền kinh tế số vững chắc, bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin