Việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán thông minh trên các nền tảng số, góp phần đưa tỉnh ta tiến gần hơn mục tiêu xây dựng xã hội số, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Quỹ Tín dụng nhân dân Phương Định (Trực Ninh)hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QRCode. |
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15-6-2022 của UBND tỉnh về phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2022-2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp trọng tâm là các thiết bị điện thoại di động, đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài địa bàn ký kết thỏa thuận phối hợp để thực hiện đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền đến khách hàng những lợi ích của TTKDTM và kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ TTKDTM an toàn, hiệu quả.
Đến nay, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ với 25 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh NHTM cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 117 phòng giao dịch, 226 ATM và 466 POS. Hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày càng được mở rộng là cơ sở để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn, tạo thuận tiện cho khách hàng đến giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt cũng như sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, các dịch vụ TTKDTM. Thanh toán điện tử đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành phương thức thanh toán quen thuộc trong nhiều lĩnh vực cũng như đời sống của người dân; đặc biệt trong lĩnh vực công, dịch vụ hành chính công, thanh toán điện tử đã trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nền hành chính số. Hầu hết các NHTM trên địa bàn đã triển khai phối hợp với Cục Thuế tỉnh và Chi cục Hải quan để thu thuế điện tử, trong đó trên 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
6 tháng đầu năm 2023, các NHTM đã thực hiện thu thuế 104.665 món với số tiền 1.756 tỷ đồng; 717.805 khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các kênh thanh toán điện tử khác, chiếm 93,85% tổng số khách hàng dùng điện trên địa bàn tỉnh. Các NHTM đã thu hộ 754.056 món tiền điện với số tiền 1.282 tỷ đồng; thu hộ 82.900 món tiền nước với số tiền 108 tỷ đồng. Một số NHTM đã phối hợp với Viễn thông Nam Định, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT Nam Định thu cước viễn thông của khách hàng. 6 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã thu hộ cước viễn thông 405.551 món, số tiền 33 tỷ đồng.
Từ lĩnh vực dịch vụ hành chính công, sức lan tỏa của thanh toán số đã được người dân đón nhận, hưởng ứng và tham gia TTKDTM đối với nhiều dịch vụ thiết yếu khác trong đời sống như thanh toán tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội. Đã có 199 trường học, chiếm 23,1% tổng số trường học, đã triển khai thu học phí ủy thác qua các ngân hàng; 6 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã thu hộ 73.244 món với số tiền 61 tỷ đồng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, thông qua dịch vụ thanh toán tiền viện phí bằng mã QRCode của Vietinbank Bắc Nam Định, đã có 1.374 món được thu hộ với số tiền trên 2,5 tỷ đồng, giúp Bệnh viện tiết kiệm được nhiều chi phí về giấy tờ, nhân sự kế toán, bệnh nhân và người nhà không mất thời gian chờ đợi làm các thủ tục như trước đây. Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, các đơn vị liên quan đã hoàn tất quá trình thử nghiệm, đang nâng cấp máy chủ và phần mềm với Sở Thông tin và Truyền thông, dự kiến tháng 8-2023 sẽ hoàn tất thủ tục, đưa vào triển khai chính thức thu viện phí không dùng tiền mặt qua mã QRCode động có kết nối hệ thống. Bệnh viện cũng đã áp dụng thu qua mã QRCode tĩnh tại quầy thuốc và quầy kính từ 1-5-2023, đến nay đã thu 95 món với giá trị trên 192 triệu đồng. Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã triển khai thực hiện thu viện phí qua mã QRCode tĩnh từ ngày 27-6-2023, đạt 66 món với số tiền 82 triệu đồng. Ở các Bệnh viện Tâm thần tỉnh và Bệnh viện Phổi, các đơn vị đã ký kết hợp đồng triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt, dự kiến đưa vào triển khai giải pháp QRCode tĩnh trong tháng 7-2023. Các dịch vụ khác như chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm đều được triển khai thông suốt, được người dân hưởng ứng tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành triển khai lập danh sách, tuyên truyền các chính sách về phí cho các đối tượng; đến hết ngày 10-7 đã có 72.835 người đã mở tài khoản, trong đó, có 49.083 đối tượng bảo trợ xã hội và 23.752 người có công với cách mạng. Các dịch vụ TTKDTM bằng Mobile Money của VNPT, Viettel triển khai trên địa bàn tỉnh nhất là tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… cũng được người dân đón nhận và sử dụng rộng rãi. VNPT Nam Định đã phát triển được hơn 19 nghìn tài khoản Mobile Money và hơn 9.000 điểm chấp nhận thanh toán là các hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng ăn uống, điểm trông giữ xe… trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ Viettel Money cũng đã nhanh chóng phủ sóng với hơn 900 điểm thực hiện thanh toán trên địa bàn tỉnh. Bình quân giá trị giao dịch qua ứng dụng Viettel Money mỗi tháng đạt hơn 3 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc TTKDTM đang trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… tạo động lực cho các sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần tiến nhanh hơn tới một xã hội số trong tương lai. Anh Vũ Văn Sỹ, trú tại phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện mọi sinh hoạt, chi tiêu thiết yếu hàng tháng của gia đình như tiền điện, nước, internet, cước viễn thông, truyền hình… đều được tôi sử dụng tài khoản ngân hàng để chi trả. Thông thường tôi chỉ mang vài trăm nghìn đồng tiền mặt trong ví để phòng cho các khoản chi tiêu nhỏ phát sinh. Để tiền trong tài khoản ngân hàng vừa dễ kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm lại có thể tránh nguy cơ bị mất trộm, rách hỏng hoặc quên, rơi ví tiền… So với 2 năm trước thì bây giờ thanh toán điện tử dễ dàng và phổ biến hơn rất nhiều bởi hầu hết mọi người trưởng thành đều có ít nhất 1 tài khoản ngân hàng và sử dụng điện thoại thông minh”.
Năm 2023 được coi là “Năm quốc gia về dữ liệu số”. Vì vậy, thời gian tới ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh tiến hành rà soát, làm sạch dữ liệu công dân theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đảm bảo đúng - đủ - sạch - sống. Đẩy mạnh kết nối, ứng dụng, chia sẻ dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán số thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông chuyển tải thông điệp, ý nghĩa của TTKDTM góp phần lan tỏa, xây dựng thói quen thanh toán, chi trả bằng thanh toán điện tử trong xã hội giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của TTKDTM từ đó tích cực, hưởng ứng, thực hiện các giao dịch TTKDTM trong sinh hoạt hàng ngày, từng bước hình thành nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin