Đổi thay trên quê hương Giao Hương

08:30, 06/09/2023

Từ một xã thuần nông, độc canh cây lúa, xã Giao Hương (Giao Thủy) đã có sự bứt phá vượt bậc, rõ nét trong Chương trình xây dựng nông thôn mới các giai đoạn, nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn. Cảnh quan môi trường được chỉnh trang, các khu dân cư mang diện mạo mới; cuộc sống người dân không ngừng nâng lên về “chất”; kinh tế tiến từng bước vững chắc.

Đường trục chính xã Giao Hương được nâng cấp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đường trục chính xã Giao Hương được nâng cấp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Vũ Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Giao Hương nằm ở phía đông của huyện Giao Thủy, cách xa trung tâm huyện, kinh tế chủ yếu độc canh cấy lúa. Do đó, xã gặp không ít khó khăn trong quá trình hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao trong năm 2022 bởi quá trình xây dựng nông thôn mới cần rất nhiều nguồn lực, trong khi nguồn vốn đầu tư còn hạn chế”. Cả hệ thống chính trị của địa phương đã quyết tâm thực hiện với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; người dân là chủ thể, Nhà nước định hướng, hướng dẫn tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới”; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, con em làm ăn xa quê cùng chung tay, chung sức với địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Kết quả, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã đóng góp, ủng hộ trên 10 tỷ đồng, 2.500 ngày công, hiến, góp hơn 300 nghìn m2 đất trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng… nâng tổng nguồn kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2022 đạt hơn 121 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, Giao Hương đã đầu tư, xây dựng hoàn thiện các công trình trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa xã, xóm, nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông từ xã đến xóm và đường nội đồng với tổng chiều dài gần 60km... tạo diện mạo mới đầy sức sống cho quê hương. 

Về phát triển kinh tế, xã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện xã đã đưa giống lúa chủ lực Đài thơm 8 vào gieo trồng với tổng diện tích 250ha tập trung ở các xóm Thanh Lam, Thanh Hà, cấp mã vùng, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán qua các kênh thương mại điện tử. Với lợi thế đồng đất rộng lớn hơn 664ha, xã đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, trong đó khâu làm đất và gặt đã được cơ giới hóa 100%, cấy lúa đạt 20%, đồng thời thí điểm áp dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu từ 5-10% diện tích. Hệ thống đường nội đồng được cứng hóa gần 80% thuận lợi đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất. Nhiều hộ gia đình như gia đình anh Nguyễn Văn Dương, Bùi Văn Quốc, Bùi Văn Quang ở xóm Thanh Ninh đã đầu tư thuê đất, tạo nên các cánh đồng mẫu lớn rộng từ 50-60 mẫu ứng dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản lúa gạo. Ngoài ra, xã hướng dẫn người dân tìm hiểu, hoàn thiện các quy trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, xã đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là Bột ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc lợi sữa và ngũ cốc mẹ bầu Việt Khuê tại xóm Thanh Hồng.

Các tuyến đường dong ngõ xóm tại xã Giao Hương (Giao Thủy) được người dân đóng góp xây dựng đảm bảo tiêu chí Sáng - xanh - sạch - đẹp.
Các tuyến đường dong ngõ xóm tại xã Giao Hương (Giao Thủy) được người dân đóng góp xây dựng đảm bảo tiêu chí "Sáng - xanh - sạch - đẹp".

Cùng với nông nghiệp, Giao Hương cũng xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao thu nhập của người dân. Từ đây, nhiều ngành nghề từng bước phát triển mang tính bền vững như nghề may mặc, nghề mộc, xây dựng, cơ khí, vận tải hàng hóa..., tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động. Trên địa bàn có 3 doanh nghiệp may xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 400 lao động. Ông Trần Đình Tụ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Hương Sơn cho biết: “Được xã tạo điều kiện về thủ tục, đất xây dựng nhà xưởng, hiện tại Công ty đã bước sang năm thứ 6 hoạt động ổn định với 200 lao động trên 2 dây chuyền sản xuất quần áo, đồng phục; lương bình quân người lao động đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hàng năm từ 12-15 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn phát triển thêm được 4 xưởng gia công sản phẩm vệ tinh, tạo thêm việc làm cho gần 100 lao động. Dự kiến, thời gian tới, Công ty sẽ phát triển thêm 2 dây chuyền mới với 200 lao động”. Năng động phát triển kinh tế, đến năm 2022 mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 71,6 triệu đồng, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,82%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội của xã cũng có sự phát triển. Hiện 8/8 xóm của xã đã lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, đều đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục; có 15 điểm cung cấp mạng wifi miễn phí; số người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt trên hệ thống thông tin đạt trên 92%. Rác thải rắn sinh hoạt, không nguy hại và rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; gần 94% gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là mới đây địa phương xây dựng hệ thống xử lý khói của lò đốt rác, phân loại rác và sửa chữa nâng cấp khu chôn lấp rác thải đáp ứng yêu cầu xử lý rác trên địa bàn nên cảnh quan môi trường trên địa bàn xã được đảm bảo “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ngoài ra, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) - Sở Tài nguyên và Môi trường cũng hỗ trợ lắp đặt, vận hành bẫy rác thải nhựa trên sông nên các tuyến kênh mương đều không có rác thải. Các tuyến đường kiểu mẫu với cây bóng mát, chậu hoa ven đường được các đoàn thể và nhân dân trồng chăm sóc, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; quốc phòng - an ninh giữ vững, nhân dân hài lòng với chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Với thành quả xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, thời gian tới, xã Giao Hương tiếp tục rà soát các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tích cực đầu tư hạ tầng công nghệ số trong lĩnh vực hành chính công, nhà văn hóa xóm, đẩy mạnh chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP hiện có để nâng cao và đăng ký các sản phẩm mới, nâng tầm giá trị nông sản bền vững. Xã phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/năm. 8/8 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% trở lên; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% trở lên. 100% số xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com