Năng động trong phát triển kinh tế

07:32, 08/09/2023

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh Bùi Văn Doanh, xóm Sơn Châu Đông, xã Giao Hà (Giao Thủy) đã không ngừng vượt khó vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Doanh là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trải qua nhiều công việc từ Bắc vào Nam với mức lương ổn định đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nhưng đổi lại công việc khiến anh Doanh phải rong ruổi khắp nơi, có khi cả tháng trời mới được về với gia đình khiến anh luôn trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế ngay trên đồng đất quê hương. Năm 2017, trong 1 lần ra thăm đồng, nhìn những khu ruộng trồng lúa mênh mông trước đây của bà con cỏ mọc um tùm, không người canh tác, thấy quá lãng phí anh Doanh quyết định rời bỏ công việc ở thành phố để về quê thuê ruộng bỏ hoang nhằm phát triển kinh tế gia đình. Có dịp đến chơi nhà một người bạn ở Bắc Ninh có trồng sen, anh được tư vấn trồng sen chỉ với 2, 3 yêu cầu cơ bản như: nước sạch, đất không tạp chất, cộng thêm việc cho “ăn” đạm, lân phù hợp có thể trồng được mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Doanh về nhà thuê lại 5,5 mẫu ruộng, tiến hành cải tạo và trồng sen.

Mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế tốt của thanh niên Bùi Văn Doanh, xã Giao Hà (Giao Thủy).
Mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế tốt của thanh niên Bùi Văn Doanh, xã Giao Hà (Giao Thủy).

Năm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, tất cả các công đoạn đều làm thủ công, lại chưa hiểu rõ về đặc tính của sen nên cây sinh trưởng kém, chậm phát triển không cho thu hoạch, anh lại tiếp tục trồng những vụ tiếp theo, nhưng cây vẫn phát triển chậm và cho năng suất thấp. Không nản chí, anh tiến hành cải tạo, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người trồng trước ở các vùng lân cận, mua máy móc hỗ trợ, đầu tư nạo vét ruộng thành ao, dự trữ nước, đầu tư mua giống mới để tránh rủi ro và chỉ lấy hoa và củ. Nghe dân trồng sen có kinh nghiệm chia sẻ, sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống, anh Doanh tìm hiểu và mua giống sen hồng ta ở thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) về trồng. Trước khi xuống giống, anh làm đất kỹ rồi mới cho nước vào để xuống giống. Khoảng cách trồng 2m x 2m/cây; mật độ tối đa 2.500 cây/ha; khống chế mực nước trong ruộng 20-25cm trong thời gian mới trồng, giúp cây mau bén rễ. Trong quá trình canh tác, anh bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần/vụ. Khoảng 4 tháng sau cây sen bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng 6 sẽ vào mùa thu hoạch rộ và kéo dài đến hết tháng 9.

Để cây sen thu hoạch lâu và năng suất cao, sau khoảng 3 tháng sen già sẽ cắt lá và bón phân 1 đợt. Sen trồng khoảng 40 ngày là có thể thu hoạch ngó sen, khoảng 30 ngày sau đó, lá sen trải rộng khắp mặt ruộng, sen bắt đầu ra bông và gương sen phát triển, hạt chín, để sen phát triển tốt cần phải canh mực nước ổn định. Trồng sen chỉ từ 4-5 tháng là được thu hoạch, nếu được mùa và không bị sâu bệnh phá hoại sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc kỹ thuật tốt, từ vụ trồng sen này, gia đình anh Bùi Văn Doanh đã thu hoạch được các thương phẩm từ sen. Anh Doanh cho biết: “Từ lúc xuống giống đến thu hoạch sen kéo dài trong khoảng 2-3 tháng và có thể thu hoạch liên tục 1 tháng tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất, có thể tiến hành trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp”. Nhận thấy sản phẩm từ sen bán rất chạy, hầu như thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, anh Doanh tiếp tục tìm thuê những thửa ruộng lân cận đang bị bỏ hoang để nhân rộng diện tích trồng sen và chỉ chú tâm vào làm giàu từ cây sen. Theo đó, anh bỏ vốn mở rộng diện tích trồng sen, tiến hành cải tạo, nhân rộng diện tích trồng sen lên 20 mẫu.

Theo anh Doanh, sen là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, sinh trưởng mạnh mẽ, thích nghi rất tốt với mọi thời tiết, lại thích hợp trên vùng đất địa phương. Sản phẩm từ cây sen được thị trường ưa chuộng, có thể bán được từ củ, thân, hoa, lá cho đến hạt… Còn về chi phí với sen lấy củ khá thấp, mỗi mẫu trồng sen mất khoảng 15 triệu đồng. Vào thời điểm được giá, 1kg hạt sen bán với giá 70 nghìn đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn một nửa, tính ra lãi cao gấp ba lần so với trồng lúa và không phải lo đầu ra cho sản phẩm, các thương lái sẽ tìm đến tận nhà để thu mua. “Muốn sen phát triển nhanh, tươi tốt, thu hoạch được lâu, năng suất cao thì sau 3 tháng sen già phải cắt lá và bón phân một đợt và để ý trừ sâu bệnh”, anh Doanh cho biết thêm. Đến nay, với diện tích 20 mẫu sen của gia đình anh Doanh cho thu hoạch 8 tấn sen tươi, 1,5 tấn sen khô, 1,5 tấn củ… với giá bán 50 nghìn đồng/kg sen tươi, 70 nghìn đồng/kg sen khô, 25 nghìn đồng/kg củ sen… cho thu lãi sau khi trừ chi phí đạt 300 triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương. Ngoài sản phẩm thu hoạch như hoa, ngó, lá, thân, củ… mô hình trồng sen của anh Doanh còn là điểm du lịch sinh thái thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh. Với hiệu quả mô hình kinh tế từ trồng sen, anh Bùi Văn Doanh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình với thanh niên trong xã, huyện và nhân dân khi có nhu cầu học hỏi, tham quan.

Bên cạnh phát triển kinh tế, với cương vị Bí thư chi Đoàn, anh Doanh anh luôn trăn trở để chi Đoàn ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia vào công tác đoàn. Bản thân anh luôn tự trau dồi, tìm tòi, học hỏi và cùng với Ban Chấp hành chi Đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào; tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong học tập, đi đầu trong mọi hoạt động tại địa phương.

Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, thanh niên Bùi Văn Doanh đã gặt hái được những thành quả trong quá trình phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, tiếp tục khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên làm giàu của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Phương Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com