Nam Định: Ứng dụng khoa học công nghệ cao để phát triển nông nghiệp xanh

16:09, 12/09/2023

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc.

Cần những "cú hích"

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được xác định là một trong những giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thời lãnh đạo tỉnh Nam Định: Phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. 

Những năm qua, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao trong nhà màng của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (thành phố Nam Định).
Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao trong nhà màng của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (thành phố Nam Định).

Để thực hiện những mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, để đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Công ty TNHH Cường Tân và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định. Đây là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu, chọn tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ là các giống lúa thuần chất lượng cao như: Nam Định 5, LP5, CT16, M1-NĐ…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Hải sản Hùng Vương, Công ty Cổ phần Chế biến Hải sản Nam Định, Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung và Công ty TNHH Một thành viên Minh Dương… cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông, lâm, thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 39 chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô liên huyện, liên tỉnh, được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Thông tư số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN và PTNT.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và phát triển được 330 sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao; 133 cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP). Trong đó, 1 doanh nghiệp được chứng nhận đang trong quá trình chuyển đổi theo yêu cầu của TCVN 11041-2:20-17 về trồng trọt hữu cơ và 1 vùng nuôi liên kết Lenger Farm 500ha tại xã Nam Điền - Nghĩa Hưng được chứng nhận nuôi bền vững theo tiêu chuẩn ASC.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn 150 cơ sở xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc (QR code), 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất; tư vấn hỗ trợ xây dựng, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho trên 320 cơ sở với gần 700 lượt sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, tạo môi trường lành mạnh, nâng cao giá trị thương mại và tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

KHCN - xu thế tất yếu

Từ năm 2005 đến nay bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Nam Định đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, triển khai 37 nhiệm vụ kjoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chế biến nông lâm thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

 Theo Sở Khoa học và Công nghệ: Thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh đều hướng tới việc phát triển nông nghiệp cao theo hướng hữu cơ, an toàn.

Giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất giống cây trồng, chăn nuôi đến chế biến và nuôi thủy sản.

Thu hoạch dưa lê siêu ngọt tại xã Nam Hùng - Nam Trực (Ảnh; Báo Nam Định)
Thu hoạch dưa lê siêu ngọt tại xã Nam Hùng - Nam Trực.

Trong sản xuất, các doanh nghiệp, HTX, nông dân đã tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất; ứng dụng công nghệ cao như sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm… nâng cao hiệu quả trồng trọt, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAHP và các tiến bộ kỹ thuật mới về giống vật nuôi được nhân nhanh trong các trang trại. Đối với thủy sản, đã tích cực áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường trong nuôi thâm canh và nuôi công nghiệp để tạo ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ngư dân tích cực đầu tư lắp đặt ra đa, máy dò cá, định vị vệ tinh GPS, hải đồ điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ.

Những kết quả đạt được mới là bước đầu, việc đẩy mạnh, nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Nam Định vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu mới ở từng khâu sản xuất chứ chưa thực hiện đồng bộ, toàn diện cả quá trình hay chuỗi giá trị sản phẩm.

Cụ thể, trong trồng trọt, công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở các khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương; canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn mang tính thủ công hoặc công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn hạn hẹp, không ổn định; khả năng cạnh tranh thấp; giá bán chưa tương xứng với mức độ đầu tư nên chưa có sức kích thích người sản xuất. Năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và người dân còn hạn chế trong khi đầu tư công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực trí tuệ, kỹ thuật, tài chính quá lớn.

Một số đề tài, dự án khoa học và công nghệ chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao. Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh (công nghệ số) gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và nông dân hình thành các chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học và công nghệ từ khâu sản xuất giống, canh tác đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với chất lượng cao hơn, quy mô lớn hơn, gắn với hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương thiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng.

Thời gian tới, Nam Định tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đã được khởi động. Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng trụ cột kinh tế số, đó sẽ là những cơ hội để tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo diendandoanhnghiep.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com