Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí Nam Định đã tăng tốc đầu tư các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo đà cho ngành phát triển theo chiến lược sản xuất dài hạn.
Còn tiềm năng phát triển
Thống kế của UBND tỉnh Nam Định cho thấy, trong những năm gần đây, ngành cơ khí, chế tạo của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, bình quân đạt 18,2%. Là ngành có đóng góp lớn thứ 2 trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp nói chung và GRDP toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp trong ngành cơ khí tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 11,41%/năm. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí ngày càng đa dạng, như: luyện cán thép (làm nguyên liệu), đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn), đúc chi tiết máy công nghiệp...
Ngành cơ khí, chế tạo của tỉnh Nam Định đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, bình quân đạt 18,2%. |
Theo Sở Công Thương tỉnh Nam Định, công nghiệp cơ khí của tỉnh là ngành vẫn còn tiềm năng phát triển nhờ truyền thống, kinh nghiệm, đội ngũ lao động tương đối lành nghề. Ngoài ra, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hiện, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh Nam Định đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy, khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí tỉnh Nam Định cũng đã có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo được các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp...
Đơn cử như Công ty TNHH Cơ khí Nam Định, công ty đã tập trung nghiên cứu và đi sâu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt) và ngành khai thác than và khoáng sản như: bu lông, tấm chèn, gông lò, tà vẹt, cọc khoan nhồi và các sản phẩm phụ kiện cơ khí. Kịp thời nắm bắt thời cơ, đầu tư trọng tâm nên Công ty đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Theo đó, hàng năm, công ty đã sản xuất ra hàng chục nghìn tấn nguyên liệu, hàng nghìn bộ linh kiện và các loại sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng dân dụng... Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ký hợp đồng trực tiếp với 20 hộ gia đình trong làng nghề Đồng Côi làm vệ tinh sản xuất các phụ kiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Ông Lê Hải Đăng - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Định cho biết, những năm gần đây Công ty đã nỗ lực, chủ động đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa đã được công ty nâng lên gần 80%, giảm sâu tỷ lệ nhập khẩu chi tiết linh kiện, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. Năm 2022 Công ty đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. Năm 2023 Công ty tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn.
Tiếp tục tập trung, hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, Nam Định định hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng.
Với mục tiêu thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp của Nam Định trở thành ngành kinh tế chủ đạo, tỉnh Nam Định gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện...
Nam Định sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện... |
Đối với lĩnh vực đóng tàu cần tái cơ cấu sản xuất đảm bảo ổn định và phát triển. Gia tăng năng lực đóng mới và sửa chữa nhóm sản phẩm tàu trọng tải trên 50 nghìn DWT. Từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ khả năng đóng các loại tàu có trọng tải lớn hơn (tương đương 50 nghìn - 100 nghìn DWT). Đặc biệt khuyến khích đầu tư công nghệ lắp ráp và chế tạo các loại tàu chất lượng cao (du thuyền, tàu cao tốc...) với công nghệ 4.0.
Lĩnh vực công nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy cần chú trọng vào phân khúc thị trường xe khách, xe chuyên dụng, xe bán tải, xe tải dưới 5 tấn với chất lượng và tỷ lệ nội địa hoá cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn. Đồng thời đầu tư máy móc chuyên dụng hướng tới phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa.
Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường. Phát triển ngành đúc - luyện kim theo hướng chuyên sâu với quy mô lớn, làm chủ các công nghệ chế tạo và gia công các loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, chú trọng đầu tư thiết bị có chất lượng nhằm giảm tiêu hao năng lượng cũng như ổn định chất lượng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nam định còn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chú trọng đến các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 để có cơ hội thay đổi đột phá. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh.
Nam Định xác định ưu tiên bố trí không gian phát triển công nghiệp cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Theo diendandoanhnghiep.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin