Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) từ lâu nổi tiếng với nghề dệt, may truyền thống, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân địa phương. Khoảng chục năm trở lại đây, nghề nuôi cá cảnh đã và đang trở thành nghề chính của người dân trong xã, tập trung chủ yếu ở các thôn: Kim, Đoài Đông.
Bám sát quy hoạch của tỉnh, huyện về phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là những đối tượng con nuôi có hiệu quả kinh tế cao, Đảng ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản... nhằm khai thác lợi thế về đất đai. Bên cạnh đó, xã tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro; tạo điều kiện về xây dựng hồ sơ, thủ tục và tiếp cận vốn vay. Theo đó, từ năm 2000, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để nuôi và sản xuất giống cá cảnh; toàn xã đã trên 200 hộ với 118ha nuôi cá cảnh. Thời gian đầu, việc nuôi cá đem lại hiệu quả cao hơn trồng lúa, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Năm 2013, nhận thấy thị trường cá Koi phát triển rộng mở, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển sang nuôi. Từ thành công bước đầu, với sự chịu khó, năng động, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao từ nghề nuôi cá Koi. Tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Hiền, Trần Văn Huy, Trần Văn Mạnh ở thôn Kim; Trần Công Chiêu ở thôn Đoài Đông…
Ông Trần Văn Huy, thôm Kim, xã Mỹ Thắng kiểm tra sự sinh trưởng của cá. |
Ông Trần Công Chiêu là hộ đầu tiên trên địa bàn xã nuôi cá Koi thành công. Năm 2005, ông Chiêu đã tìm hiểu trên các kênh thông tin và biết đến cá Koi nên đã mạnh dạn đi mua cá giống về nuôi thương phẩm và tập trung đầu tư sản xuất. Đến nay, “cơ ngơi” của ông Chiêu có hơn 5 mẫu ao, bể nuôi cá Koi. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá Koi, theo ông Chiêu, công đoạn khó nhất là việc lai tạo, chọn giống. Theo đó, người nuôi phải có kinh nghiệm, con mắt “nhìn cá” để chọn được những cặp cá giống bố mẹ tốt nhất. Ông thường chọn các cặp cá kích thước từ 3-4cm, cân đối đầu, đuôi, không bị dị tật, màu đẹp... để làm giống. Khi đã chọn lọc cá bố mẹ, ông chuyển con giống sang các ao nuôi riêng để có chế độ chăm sóc, phòng bệnh phù hợp. Một số bệnh mà cá cảnh hay mắc như: thối mang, xuất huyết, cùn vây..., với mỗi loại bệnh ông lại có cách phòng bệnh, thuốc chữa trị riêng, tránh lây lan, ảnh hưởng đến đàn. Cá Koi có thể sinh sản quanh năm nhưng sinh trưởng tốt nhất là vào các mùa xuân, hè và thu. Tháng 5, khi những cơn mưa rào đầu tiên xuất hiện, cá Koi vào vụ sinh sản mới, đó cũng là những ngày bận rộn của gia đình ông. Thời điểm này, thời tiết đang sang mùa thu, ông lại chú ý đến việc cho ăn, đảm bảo nước, ôxy cho cá sinh trưởng và phát triển. Tùy theo tình hình thời tiết, ông sẽ tính toán cho cá ăn hợp lý. Ông Chiêu chia sẻ: “Nếu thời tiết đẹp, tôi có thể cho cá ăn 2 lần/ngày. Nếu hôm nào “xấu trời”, không khí trong ao nồng, tôi cho ăn ít đi, trung bình 1 lần/ngày. Lý do là bởi lượng ôxy trong nước thấp, cho ăn nhiều cá hô hấp kém, dễ bị ngạt dẫn đến cá chết”. Khác với cá thịt, cá cảnh có thời gian nuôi ngắn hơn. Theo đó, cá cảnh thương phẩm nuôi trong khoảng 2,5 tháng, trọng lượng vài lạng là có thể xuất bán, mỗi năm 2 lứa. Đối với cá giống, mỗi năm người nuôi xuất được từ 2-3 lứa. Hiện nay, cá Koi được bán với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông Chiêu xuất bán từ 30-40 tấn cá Koi.
Còn với hộ ông Trần Văn Huy, ở xóm Kim có hơn 4 mẫu nuôi và sản xuất cá Koi giống. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 15-20 tấn cá. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá Koi, ông Huy cho biết: “Đối với cá Koi, giá cả được quyết định vào vân hoa và màu sắc, nên để nuôi được cá có vẻ đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao thì thức ăn, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống là những yếu tố có ý nghĩa quyết định. Ao nuôi cá phải rộng, độ sâu từ 0,8 đến 1,5m, nước trong, sạch, rong không quá nhiều. Thức ăn cho cá phải là loại thức ăn riêng biệt, được mua tại các cơ sở uy tín, có độ đạm cao. Trong quá trình nuôi, cần sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau, tránh gây sốc cá, không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh và phải chú ý vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ PH của ao nuôi”... Đến nay, con trai của ông Huy cũng theo nghề nuôi và sản xuất cá Koi giống của gia đình. Nhờ sự phát triển của internet, qua các kênh mạng xã hội, cá Koi ở Mỹ Thắng được “quảng bá” trên các trang, nhóm về thủy sản thu hút đông khách hàng ở nhiều địa phương.
Nghề nuôi cá Koi không còn quá mới lạ ở các địa phương trong tỉnh mà đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của nhiều gia đình nông dân. Trên những vùng đất chuyển đổi ở Mỹ Thắng, nhiều hộ gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá Koi, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đồng thời góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin