Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất (QL,SDĐ), được Trung ương đánh giá tốt so với toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại, hạn chế đã được Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sau đợt thanh tra trách nhiệm QL,SDĐ của UBND tỉnh đợt đầu tháng 2-2023.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát việc sử dụng đất của doanh nghiệp tại xã Yên Ninh. |
Các tồn tại, hạn chế được chỉ ra là: việc phân tích, đánh giá nhu cầu SDĐ để đưa vào quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn chưa sát thực tế; tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch SDĐ và quy hoạch chuyên ngành chưa cao, số liệu hiện trạng SDĐ của một số huyện chưa đồng bộ, việc thực hiện một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDĐ tỷ lệ đạt thấp. Trong giai đoạn 2015-2020, việc thẩm định phê duyệt kế hoạch SDĐ cấp huyện chậm. Một số chỉ tiêu kế hoạch SDĐ kỳ đầu 2011-2015 chưa thực hiện được do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) không tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch SDĐ kỳ cuối giai đoạn 2016-2020 đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai tại một số huyện còn nhầm lẫn, chưa đúng với hiện trạng SDĐ một số loại đất; việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa được liên thông giữa ba cấp tỉnh, huyện, xã dẫn đến đất đã chuyển mục đích SDĐ nhưng chậm được cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính. Việc đo đạc bản đồ địa chính chưa được quan tâm đúng mức, chưa bố trí kinh phí thực hiện dẫn đến việc đo đạc, lập bản đồ số còn chậm. Còn 6 dự án thuê đất với tổng diện tích 1,77ha mà chủ đầu tư dự án đã đưa đất vào sử dụng nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. UBND tỉnh chậm triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Có dự án xác định vị trí, gửi thông tin để tính tiền thuê đất không đúng với hiện trạng của thửa đất. Vẫn còn 17 doanh nghiệp cổ phần hoá đang sử dụng khoảng 57,52ha đất chưa hoàn thành các thủ tục lập, phê duyệt phương án SDĐ, ký hợp đồng thuê đất...
Giai đoạn 2011-2015, có một số diện tích đất đã được UBND huyện, thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng nhưng không có trong kế hoạch SDĐ. Giai đoạn 2015-2018, các huyện, thành phố (trừ UBND huyện Trực Ninh) đã cho phép một số hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất ao vườn sang đất ở không có trong kế hoạch SDĐ. Có một số dự án sử dụng dưới 10ha đất lúa có văn bản chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh nhưng không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích SDĐ lúa; ngoài ra còn có dự án đầu tư công như đầu tư xây dựng tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 cầu Lạc Quần đến cầu Sa Cao (Xuân Trường) sử dụng 27,5ha đất trồng lúa nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận, cho phép chuyển mục đích đất lúa của Thủ tướng Chính phủ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ còn chậm, số lượng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp còn nhiều, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, cá nhân. Việc thu nộp, quản lý, sử dụng nguồn thu từ SDĐ trồng lúa chưa được UBND tỉnh cùng cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, chưa lập dự toán tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, SDĐ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý vi phạm ở các huyện, thành phố còn chậm, chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích SDĐ vẫn tiếp tục diễn ra.
Qua thanh tra 3 dự án SDĐ cho thấy, vẫn còn một số hạn chế thiếu sót. Việc xác định tiền thuê đất theo phương pháp thặng dư của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, có một số khoản doanh thu, chi phí của dự án được xác định chưa phù hợp. Chủ đầu tư dự án xây dựng một số hạng mục thành phần trên ô đất hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất. Có dự án chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khi còn thiếu quyết định chuyển đổi mục đích SDĐ; không tổ chức lập, điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khi diện tích đất dự án giảm; chậm triển khai dự án nhưng không làm thủ tục điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Thực hiện kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 15-2-2023 giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các phần việc cụ thể theo kiến nghị xử lý của Tổng Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh việc kiểm điểm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, công tác khắc phục, xử lý bất cập đang được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và các đơn vị liên quan gấp rút thực hiện nghiêm. Đến hết tháng 6-2023, các phần việc liên quan đến truy thu kinh tế trong SDĐ theo quy định pháp luật được khẩn trương hoàn tất. Các đơn vị, địa phương liên quan đã bố trí 33 tỷ 464,04 triệu đồng để nộp quỹ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đối với 48 dự án đầu tư công. UBND huyện Giao Thủy rà soát nộp 2 tỷ 195,825 triệu đồng số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định đối với đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị thị trấn Ngô Đồng. Cục Thuế tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư (106 tổ chức, cá nhân) nộp tiền thuê đất còn nợ 24 tỷ 312,167 triệu đồng, tiền thuê đất chậm nộp 2 tỷ 206,6 triệu đồng. Để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, các huyện rà soát, xác định lại vị trí thửa đất để tính tiền thuê đất đối với các dự án đã được xác định chưa đúng, truy thu phần tiền thuê đất chênh lệch khi xác định lại; tổ chức rà soát lại và xác định tiền thuê đất đối với các dự án áp dụng tính theo phương pháp thặng dư đảm bảo tính đúng, tính đủ từ thời điểm văn bản có hiệu lực pháp luật.
Về các phần việc liên quan đến công tác QL,SDĐ, tỉnh yêu cầu các huyện bố trí kinh phí đầu tư cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên theo Điểm đ Khoản 1 Chỉ thị số 1474/2011/CT-TTg, ngày 24-8-2014, của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tổ chức đánh giá lại việc QL,SDĐ của các doanh nghiệp, căn cứ năng lực, khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư để có phương án xử lý theo đúng quy định pháp luật; tiến hành xử lý vi phạm hành chính, hướng dẫn các doanh nghiệp vi phạm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc SDĐ theo quy định... Sở Tài chính phối hợp với Sở TN và MT, các huyện, thành phố đẩy mạnh sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định. Sở TN và MT phối hợp các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố đôn đốc 17 doanh nghiệp cổ phần hóa khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai; yêu cầu chủ đầu tư 6 dự án chậm ký hợp đồng thuê đất thực hiện việc ký hợp đồng...; dự kiến sẽ hoàn thành phần việc này trong quý III-2023./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin