Hàng tiêu dùng tăng giá - nỗi lo của người nội trợ

07:32, 08/09/2023

Từ đầu tháng 5-2023 đến nay, giá bán đa số các mặt hàng tiêu dùng liên tục gia tăng và giữ đỉnh giá mới trong suốt một thời gian dài tạo áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng; thị trường tiêu dùng vì thế cũng kém sôi động.

Dãy hàng thủy sản ở chợ Giao Tiến (Giao Thủy) thưa thớt người mua.
Dãy hàng thủy sản ở chợ Giao Tiến (Giao Thủy) thưa thớt người mua.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, ước tính tháng 8-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5.599 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,71% so với tháng trước; tăng 2,42% so với cùng kỳ năm 2022. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng so với tháng trước. Trong đó, cao điểm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,58%; nhóm giao thông tăng 3,56%; nhóm giáo dục tăng 0,8%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%... Những tháng liền kề trước đó, chỉ số giá tiêu dùng cũng liên tục tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Nam Định, giá gạo có tốc độ tăng nhiều và nhanh nhất với 3 lần tăng trong vòng 1 tháng từ 1.000-3.000 nghìn đồng/kg và tập trung chủ yếu ở phân khúc gạo phục vụ chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tăng với mức 30-40% so với giá bán trước đây 2 tháng; gạo bình dân như Bắc Thơm tăng từ 150 nghìn đồng lên 175 nghìn đồng/yến; gạo Dự hương tăng từ 135 nghìn đồng lên 165 nghìn đồng/yến; nhóm gạo cao cấp như ST25 từ 260 nghìn lên 270 nghìn đồng/yến.

Chị Lê Thu Nga, chủ cửa hàng cung ứng gạo đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết, từ khoảng giữa tháng 7 trở lại đây, giá gạo trên thị trường tăng mạnh; lô nhập sau tăng hơn lô trước và chưa có dấu hiệu dừng. Cùng với gạo, các nhóm thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm, đỗ, lạc, vừng đến dầu ăn, hàng công nghệ phẩm đều tăng giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng trên 1 đơn vị sản phẩm. Trong đó trứng gà, trứng vịt tăng giá cao đột biến với khoảng 30%. Hiện tại trứng vịt có giá 38-40 nghìn đồng/chục; trứng gà dao động từ 33-37 nghìn đồng/chục. Điều này được các tiểu thương lý giải do trước đó giá thịt, trứng gà, vịt hạ thấp, thức ăn lại cao nên người dân giảm đàn để hạn chế lỗ nên đến nay nguồn cung không nhiều; năm nay nắng nóng cao độ nên đàn gia cầm sinh sản ít hơn, trong khi đó vào mùa Tết Trung thu nhu cầu trứng gà phục vụ làm bánh tăng cao khiến giá trứng tăng vọt.

Theo ngành chức năng thì tổng quan nguyên nhân giá hàng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua là do giá các yếu tố gốc như điện, xăng dầu tăng theo lộ trình và ảnh hưởng biến động giá của thế giới; bên cạnh đó do lo ngại tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến một số nước như Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực; trong khi các nước thuộc khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Quốc, Philippines… đang tích cực thu mua gạo tích trữ lương thực khiến giá gạo thế giới tăng mạnh kéo theo giá gạo trong nước biến động theo. Thêm vào đó là việc tăng lương cơ sở định kỳ cho cán bộ công chức, người lao động và các đối tượng chính sách rơi đúng vào thời điểm này khiến cho giá tiêu dùng neo vào và hình thành biểu giá mới trên thị trường.

Muôn cách "thắt lưng buộc bụng" của người nội trợ

Sự biến động về giá đang tác động trực tiếp đến tâm lý, chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những lao động chân tay phổ thông, thu nhập không ổn định. Bà Lê Thị Thanh, khu tập thể Văn Miếu (thành phố Nam Định) bộc bạch: Nhà tôi 7 người 3 thế hệ chung sống, một tháng ăn hết khoảng 20kg gạo. Như vậy riêng tiền gạo tốn thêm khoảng 50 nghìn đồng/tháng, cộng với mỗi thứ tăng một ít từ rau xanh đến mắm muối, tương cà, dầu ăn, điện, nước đều tăng. Tôi cũng thấy các con nói chuyện với nhau giá sữa thấp nhất tăng 20-30 nghìn đồng/ thùng; cuối năm rồi, lại bắt đầu vào năm học, rất nhiều chi phí khác đều tăng nên tôi cũng lo lắng lắm, nghĩ đủ cách thắt chặt chi tiêu cho phù hợp. Điều chỉnh cơ cấu thực đơn các món sao cho không tăng chi phí mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng; chắc chắn phải thêm đậu phụ, vừng lạc, rau xanh và tự nấu bữa ăn sáng tại nhà... Hoa quả thì mùa nào thức đó với các loại quả phổ biến, đúng mùa như na, chuối, ổi... để tiết giảm chi phí. Việc đi chợ cách ngày và chỉ mua những thứ cần thiết cũng được bà áp dụng triệt để bởi theo bà việc giảm số lần chợ giúp chi tiêu có kế hoạch hơn, không lãng phí thích gì mua nấy như trước đây. Lo ngại tình trạng “bão giá” các loại mặt hàng, đặc biệt là gạo, thực phẩm, củ, quả, tôm, cá… nhóm công chức Nhà nước, người lao động thay vì mua thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi thì sẵn sàng cắt cử nhau đi chợ mua chung thực phẩm tại chợ đầu mối để mua được thực phẩm với giá rẻ hơn. Chị Trần Thị Phương, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Xá tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi chợ đầu mối Phạm Ngũ Lão mua rau xanh cho gia đình. Chị Phương cho biết: tôi lên thực đơn cho 1 tuần gồm cả rau ăn lá, củ, quả rồi về bảo quản trong tủ lạnh. Nếu khéo sắp xếp, bảo quản thì chất lượng vẫn rất đảm bảo mà chi phí rẻ đi gần một nửa. Riêng tiền rau quả cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng/tháng lại có thời gian nghỉ ngơi hơn so với việc ngày nào cũng đi chợ như trước đây.

Người tiêu dùng lo lắng về giá tiêu dùng tăng cao, tìm mọi cách “thắt lưng buộc bụng” thì các tiểu thương cũng than thở việc kinh doanh ế ẩm, giảm lợi nhuận bởi người dân ít mua sắm hơn. Điều dễ nhận thấy nhất là vào những ngày đầu tuần chợ dân sinh vắng hẳn người bán, người mua bởi người dân đã tranh thủ mua sắm vào ngày nghỉ trước đó, chế biến dùng dần trong tuần. Tiểu thương cũng phải tính toán điều chỉnh việc nhập hàng phục vụ khách hàng. Ví như đầu tuần mặt hàng thịt sẽ nhập hàng ít hơn những ngày cuối tuần; sạp hàng hoa quả hạn chế sản phẩm cao cấp như sầu riêng, bưởi da xanh vào ngày thường hoặc nghỉ hẳn vài ngày sau lễ tuần rằm, mùng một… 

Trong khi người dân đang thay đổi thói quen đi chợ, thói quen mỗi ngày, các ngành chức năng cũng có những động thái nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, nhóm các sản phẩm hàng hóa như gạo, ngũ cốc hay trứng, thịt sẽ sớm ổn định giá khi người dân cả nước thu hoạch vụ lúa mùa. Bộ đã trực tiếp điều hành lượng gạo xuất khẩu cũng như lượng phục vụ tiêu dùng để ổn định thị trường trong nước. Giá gạo giảm sẽ là điều kiện căn bản để rất nhiều mặt hàng giảm theo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường, làm giảm áp lực tăng giá. Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa cũng như cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, thực hiện bình ổn thị trường; phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm tra việc chấp hành trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, gạo, thực phẩm... đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, các tiểu thương không tăng giá bán bất hợp lý./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com