Trong số 9 hành lang vận tải thuỷ của cả nước, tỉnh Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, điều này mang lại nhiều thuận lợi trong vận tải biển và đường thủy.
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án "Phát triển giao thông khu vực Đồng bằng Bắc bộ" - WB6, là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, mang lại nhiều lợi thế phát triển cho Nam Định và các tỉnh lân cận. |
Theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, về các tuyến vận tải thuỷ chính, tỉnh Nam Định có lợi thế nằm trong tuyến Hà Nội - Lạch Giang, là quy hoạch tuyến cấp I với tổng chiều dài 196 km. Trong đó, tuyến từ cửa Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ dài 19 km được quy hoạch cấp đặc biệt; tuyến từ kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến cảng Hà Nội dài 177 km đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I đường thủy nội địa, đáp ứng cho các tàu có trọng tải đến 2.000 DWT có thể ra, vào các cảng, bến trên sông Ninh Cơ và sông Hồng.
Về quy hoạch cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa có các tuyến: sông Đào Nam Định (từ ngã ba Độc Bộ đến ngã ba Hưng Long) dài 33,5 km là cấp II; sông Ninh Cơ (đoạn từ cống Châu Thị về phía hạ lưu đến ngã ba Mom Rô) dài 47 km là cấp I; kênh nối Đáy - Ninh Cơ (đoạn từ ngã ba sông Ninh Cơ đến ngã ba sông Đáy) dài 1 km là cấp đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đánh giá, để kinh tế biển và vận tải biển của Nam Định phát triển, địa phương cần quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế biển, ven biển, đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển địa phương. Đồng thời, nghiên cứu phát triển kinh tế biển theo đặc thù của Nam Định, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ mới, công nghệ sáng tạo để nâng cao giá trị kinh tế...
Công trình luồng qua cửa Lạch Giang - sông Ninh Cơ được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi đưa vào khai thác tháng 7/2016 đã chấm dứt được tình trạng diễn biến phức tạp của cửa sông này như thường xuyên thay đổi, bồi đắp luồng tàu qua cửa sông. Qua đó, tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000 DWT ra, vào bến cảng biển và các cảng, bến thuỷ nội địa trong tỉnh Nam Định cùng các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Ngoài ra, công trình trên cũng góp phần phát triển hoạt động hàng hải tại khu vực và là cửa ngõ giao thông quan trọng, giúp các tàu sông pha biển (tàu SB) có thể vào sâu trong đất liền, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.
Theo thống kê, lượt tàu ra, vào cảng biển Nam Định có sự tăng trưởng mạnh đạt 2 con số. Năm 2022, hàng hóa qua cảng khu vực này đạt gần 1,3 triệu tấn. Riêng 7 tháng năm 2023, với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang gặp khó khăn nhưng hàng hóa qua khu vực này vẫn đạt hơn 315.000 tấn.
Mặc dù, hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển Nam Định có sự tăng trưởng, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân chủ yếu như: nhu cầu và lượng hàng hoá thông qua cảng biển không ổn định, ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển trên địa bàn tỉnh giảm sút nghiêm trọng.
Đề cập về hiện trạng và tiềm năng phát triển cảng biển tại Nam Định, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng cầu, bến cảng tại khu vực cảng biển Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, chưa có doanh nghiệp cảng biển đầu tư xây dựng hệ thống cầu, bến cảng, thiết bị xếp dỡ quy mô để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn ra, vào cảng biển.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng, thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội với mức đóng góp hàng năm trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động vận tải thủy nội địa tại Nam Định. |
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải vừa khánh thành Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án "Phát triển giao thông khu vực Đồng bằng Bắc bộ" - WB6, là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, mang lại nhiều lợi thế phát triển cho địa phương và các tỉnh lân cận.
Đánh giá về công trình này, ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết dự án giúp giảm 20% thời gian di chuyển của phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến cảng thủy Ninh Phúc (Ninh Bình), góp phần cải thiện chi phí vận tải thủy, tạo động lực tốt cho phát triển vận tải thủy và kinh tế - xã hội tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải có thể lưu thông qua sông Ninh Cơ thuận lợi không phụ thuộc vào dòng nước, từ đó có thể đi sâu vào cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc.
Các chuyên gia giao thông vận tải cho rằng, để thúc đẩy hoạt động hàng hải tại khu vực này phát triển, UBND tỉnh Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển tại Nam Định những năm gần đây được quan tâm đầu tư. Một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai như: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông…góp phần tạo diện mạo mới, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển.
Năm 2022, hàng hóa qua cảng khu vực này đạt gần 1,3 triệu tấn. Riêng 7 tháng năm 2023, với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang gặp khó khăn nhưng hàng hóa qua khu vực này vẫn đạt hơn 315.000 tấn. |
Liên quan đến phát triển cảng biển tại Nam Định, mới đây, Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định đã đề xuất xây dựng cảng Xuân Thiện Nam Định nằm trong tổ hợp dự án Nhà máy thép xanh với mức đầu tư dự kiến lên đến 35.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Theo đề xuất, giai đoạn 1 (đến năm 2030) sẽ quy hoạch 19 bến cảng. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải từ 5.000 đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT. Dự kiến đến năm 2030, bến cảng sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Trong khi đó về phát triển hạ tầng giao thông kết nối, UBND tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức động thổ xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 2.487,5 tỷ đồng./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin