Nỗ lực duy trì phát triển các ngành công nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn

19:07, 08/08/2023

7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 13,48% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,61%, đóng góp 13,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 10,94%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,53%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm. Một số ngành công nghiệp duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,75%; dệt tăng 19,47%; sản xuất trang phục tăng 8,32%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,45%; chế biến gỗ và sản xuất từ gỗ, tre, nứa tăng 17,34%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,20%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,83%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10,41%. Kết quả sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đơn hàng giảm, sức cầu yếu, cho thấy sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự nỗ lực, năng động, nhạy bén để thích ứng trước khó khăn của các doanh nghiệp.

Sản xuất tại làng nghề dệt dây lưới cước thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Sản xuất tại làng nghề dệt dây lưới cước thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam suy giảm cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.444 triệu USD, giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: khu vực Nhà nước 27 triệu USD, giảm 20,5%; khu vực ngoài Nhà nước 384 triệu USD, giảm 20,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.033 triệu USD, giảm 8,3%. Các doanh nghiệp ngành dệt may đã rất linh hoạt, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo đơn hàng, đón đầu xu hướng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thị trường dệt may vẫn mang nhiều yếu tố về mặt tâm lý; bản thân các đầu mối mua hàng cũng phải nghe ngóng, đợi phản ứng của người tiêu dùng mới đặt hàng, dẫn đến đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp nhưng chỉ số tồn kho của ngành ước tính tại thời điểm cuối tháng 7 tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước; vẫn còn 18,44% doanh nghiệp trong ngành đánh giá tình hình sản xuất quý II-2023 khó khăn hơn so với quý II; 15,60% doanh nghiệp trong ngành dự báo khối lượng sản xuất giảm so với quý II. Không chỉ gặp khó về đơn hàng, các doanh nghiệp của tỉnh ta cũng phải đối mặt nhiều khó khăn trong cùng một thời điểm như: do đồng tiền Việt Nam cao hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh; lãi suất trong nước neo ở mức cao, khoảng 9-11% trong bốn tháng đầu năm trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5-7%; giá điện trong nước tăng 3% kể từ đầu tháng 5 cũng gia tăng thêm áp lực đối với các doanh nghiệp.

Theo ngành Công Thương, dự báo những tháng cuối năm, các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Trên thế giới, tình hình kinh tế, chính trị vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là căng thẳng giữa các quốc gia lớn; kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; doanh nghiệp vẫn sẽ còn rất khó khăn do chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao; cùng với thị trường bất động sản chậm hồi phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan...

Để vượt qua khó khăn, thách thức, giữ được mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng của tỉnh chú trọng thực thi có hiệu quả ngay khi Trung ương triển khai các chương trình, chính sách pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới cho các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và thuận lợi hơn trong hưởng các chế độ, chính sách về vốn (như rà soát để tiếp tục thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí; hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…; tích cực tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp, xây dựng liên quan.

Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất, kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa trong nhóm các doanh nghiệp, người địa phương để giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ. Triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong tỉnh để gia tăng hơn nữa mức tăng trưởng bởi đây là ngành chủ đạo, dẫn dắt toàn ngành công nghiệp tỉnh.

Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng, Sở Công Thương cũng sẽ gia tăng các chương trình kết nối Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, từ đó mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm bền vững hơn. Hỗ trợ, khuyến cáo doanh nghiệp các ngành hàng tìm hiểu các quy định, rào cản về xuất khẩu sang thị trường nước ngoài để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Bên cạnh đó cần lưu ý, ngoài việc tìm kênh phân phối lớn nên quan tâm tìm các thị trường ngách để xuất khẩu phòng ngừa hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng đứt gãy do các nhà phân phối lớn ngắt kết nối. Riêng ngành dệt may, da giày, dự báo ít nhất đến cuối quý III hoặc sang quý IV năm 2023, thị trường mới phục hồi trở lại và phải đến năm 2024 mới ổn định. Đồng thời, thị trường diễn biến nhanh, thậm chí có thể chỉ trong vài ba ngày. Vì vậy, doanh nghiệp dệt may, da giày cần phải bảo đảm chất lượng, tăng năng suất, giảm bớt các chi phí không cần thiết, tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu; nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, duy trì sức mạnh cốt lõi... nhằm bảo toàn nguồn lực, sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa khi thị trường phục hồi. Về lâu dài tiếp tục bố trí ngồn lực, hướng đến đầu tư một cách bài bản về công nghệ, nhân lực, đáp ứng các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.

Với những giải pháp nỗ lực đồng bộ, toàn tỉnh hướng đến hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2023 với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14,5% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 3.300 triệu USD trở lên./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com