Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đường thủy nội địa

08:27, 23/08/2023

Nam Định có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, tổng chiều dài 536km sông, kênh với 4 tuyến sông chính gồm: Hồng, Đào, Ninh Cơ, Đáy và 72km bờ biển; trong đó, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm: Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, Đáy và các bãi ngang. Có 2 tuyến sông giáp ranh tỉnh ngoài gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình và sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình; 15 sông địa phương với tổng chiều dài 268km (có sông Vọp dài 15km, sông Múc dài 26,5km đã được UBND tỉnh công bố luồng tuyến, đưa vào khai thác). Hệ thống đường sông khá phong phú này tạo lợi thế về giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mở rộng hợp tác và phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Phương tiện vận tải thủy lưu thông qua Cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng.
Phương tiện vận tải thủy lưu thông qua Cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng.

Thời gian qua, để phát huy thế mạnh vận tải ĐTNĐ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng ĐTNĐ khu vực phía Bắc như: Cảng biển Hải Thịnh, cảng sông Nam Định (thuộc thành phố Nam Định), cảng sông Yên Quang, cảng sông Hải Long (thuộc huyện Ý Yên)… đã và đang được đưa vào vận hành, khai thác. Ngoài ra, mạng lưới các sông nội đồng như: các sông Sắt, Mỹ Đô (Ý Yên); sông Chanh (các huyện Vụ Bản, Ý Yên); sông Châu Thành (Nam Trực); sông Rõng (các huyện Nam Trực, Trực Ninh); sông Quýt, sông Vô Tình (Trực Ninh); sông Múc, sông Sò, sông Ninh Mỹ (Hải Hậu), các sông Cồn Giữa, Cồn Năm, Cồn Nhất, Mả (Giao Thủy) tham gia vào mạng lưới vận tải đường thủy, đặc biệt là phục vụ cho vận chuyển nội bộ trong tỉnh cũng như trung chuyển hàng hóa từ các cảng lớn trong khu vực.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ĐTNĐ, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy, đường biển trên địa bàn tỉnh; chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét, duy tu luồng hàng hải Hải Thịnh (Hải Hậu) các năm 2023, 2024. Cùng với đó, Sở đã triển khai xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tham gia ý kiến điều chỉnh quy hoạch cấp kỹ thuật luồng ĐTNĐ các tuyến sông do địa phương quản lý đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

Trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư Cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng nối sông Đáy và sông Ninh Cơ thuộc địa phận các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đảm bảo đúng tiến độ dự án. Ngày 25-7-2023, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BGTVT chính thức công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng. Ngay sau khi được Bộ GTVT công bố mở luồng, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các phương tiện thủy lưu thông qua Kênh Nghĩa Hưng để tiết kiệm thời gian, chi phí. Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc dự án Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng, mỗi ngày có khoảng từ 25-30 phương tiện thủy lưu thông qua Kênh và Âu tàu. Việc thông luồng lưu thông qua đây giúp các tàu thuyền rút ngắn thời gian hải trình từ 4-5 tiếng so với trước đây. Hiện nay, theo danh bạ cảng, bến thủy nội địa, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 135 cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động, trong đó có 65 cảng, bến có giấy phép, quyết định công bố còn hiệu lực, 70 bến thủy nội địa thời hạn hoạt động đã hết.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ cấp cơ sở năm 2023; tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với bến thủy nội địa, bến, bãi, đầu mối bốc xếp hàng hóa. Rà soát, thống kê các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa và phục hồi phương tiện thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến khách ngang sông không đủ điều kiện hoạt động. Phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân là chủ bến, chủ phương tiện, người lái phương tiện thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động ĐTNĐ; thường xuyên kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý (nhất là các bến giấy phép hoạt động hết hiệu lực), xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến khách ngang sông không đủ điều kiện hoạt động. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn các bến khách ngang sông trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các điểm vượt sông trọng điểm, các bến khách ngang sông. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề: Bến phải có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, phải có báo hiệu thông báo bến; phương tiện phải có đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật còn hiệu lực, có đủ trang thiết bị an toàn; thuyền viên, người lái phải có đủ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số bến sông tập kết vật liệu xây dựng, đóng tàu có hoạt động liên quan đến ĐTNĐ nhưng không được cấp có thẩm quyền công bố, cấp phép hoạt động đường thủy. Để tăng cường công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Định tổ chức công tác quản lý hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật, triển khai thực hiện nghiêm Văn bản số 1116/UBND-VP5 của UBND tỉnh về việc quản lý hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về ĐTNĐ. Trên cơ sở số liệu, thực hiện kiểm tra, rà soát các cảng, bến thủy nội địa, bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa, các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi… trên địa bàn, tổ chức giải tỏa các bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa không đủ điều kiện để công bố hoạt động, vi phạm quy định pháp luật về đê điều, thủy lợi… và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về cảng, bến thủy nội địa góp phần bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở GTVT tiếp tục rà soát, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ ĐTNĐ quốc gia và địa phương; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông ĐTNĐ. Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định, Đội Thanh tra giao thông ĐTNĐ số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các đơn vị có liên quan đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn”, mô hình “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông ĐTNĐ”; hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết giải tỏa, không quy hoạch các bến thủy nội địa vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, sử dụng đất không đúng mục đích./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com