Nam Trực tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất công

08:28, 16/08/2023

Thực hiện quy định pháp luật về đất đai, những năm qua, huyện Nam Trực đã có nhiều cố gắng trong tổ quản lý, sử dụng quỹ đất công ích theo hướng hợp lý, hiệu quả. Hàng năm, UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để kiểm tra, thống kê về vị trí, diện tích, loại đất, lập biến động đất đai và nộp về UBND huyện qua Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT). Phòng TN và MT huyện tổng hợp, cung cấp số liệu diện tích đất công ích hàng năm cho Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện để phục vụ UBND huyện xây dựng dự toán thu hàng năm đối với các xã, thị trấn. Theo đó, tổng diện tích quỹ đất công ích toàn huyện đến hết năm 2022 là 1.031ha/11.442ha đất nông nghiệp, chiếm 9,01%. 

Nông dân xã Điền Xá khai thác hiệu quả đất bãi ven sông vào trồng hoa, cho giá trị thu nhập kinh tế cao.
Nông dân xã Điền Xá khai thác hiệu quả đất bãi ven sông vào trồng hoa, cho giá trị thu nhập kinh tế cao.

Để sử dụng, khai thác hiệu quả quỹ đất công ích, các xã, thị trấn đã thực hiện ký hợp đồng giao khoán thầu từ 1-5 năm nhưng đa số chưa thực hiện công tác đấu giá mà chủ yếu là giao thầu (do số lượng người có nhu cầu sử dụng đất công ích ít); riêng xã Nam Toàn đã thực hiện công tác đấu giá sử dụng đất công ích. Hiện nay, các địa phương đã cho đấu, khoán, giao 204ha đất công ích, chiếm 19,83% tổng diện tích quỹ đất này; còn 826ha chưa tổ chức đấu, khoán, giao thầu. Một số địa phương có tỷ lệ giao, khoán thầu đất công ích cao như xã Nam Mỹ đạt 47,2%, Nam Toàn đạt 88,56%, Nam Tiến đạt 40,25%. Phần lớn các hộ đấu, khoán, giao thầu đất công ích đều sử dụng vào mục đích canh tác, sản xuất nông nghiệp, tạo ra thu nhập và đóng góp vào nguồn thu ngân sách xã.

Cùng với những kết quả tích cực, việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích của huyện Nam Trực tồn tại một số bất cập cần quan tâm. Hầu hết, các xã, thị trấn đang thực hiện quản lý đất công ích theo hồ sơ địa chính lập năm 1994, hồ sơ dồn điền, đổi thửa của các cơ sở thôn, xóm; danh sách tổng hợp đất nông nghiệp công ích của các xóm chưa được chỉnh lý kịp thời theo thực tế; hàng năm chưa cập nhật biến động vào hồ sơ quản lý đất đai. Hồ sơ lưu trữ về đất công ích của các xã thiếu nhiều, số liệu xã báo cáo không có căn cứ xác thực, chênh lệch số liệu lớn giữa các báo cáo của xã với báo cáo của Phòng TN và MT. Việc quản lý đất công ích ở các địa phương chủ yếu giao cho cơ sở thôn, đội thực hiện, trải qua rất nhiều thời kỳ (năm 1993, giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, năm 2013 dồn điền, đổi thửa...), cán bộ cơ sở có sự thay đổi nhân sự nên các xã, thị trấn chưa thống kê được hết hiện trạng của các thửa đất công ích. Đặc biệt, đối với các thửa đất đã được giao khoán từ thời kỳ hợp tác xã cũ, hiện tại không có hồ sơ theo dõi. Nhiều địa phương sau khi thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, diện tích đất công quy hoạch không tập trung, nằm rải rác, có những vị trí nhỏ chỉ 30-50m2 nên công tác quản lý, khai thác và sử dụng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như: Xã Điền Xá 72 thửa, Nam Hồng 404 thửa, Tân Thịnh 282 thửa, Bình Minh 421 thửa, Nam Hải 112 thửa... Việc giao, khoán thầu ở một số địa phương theo mùa vụ dẫn đến không thực hiện hợp đồng với các hộ mà sử dụng khoán thầu bằng hình thức giao cho cơ sở thôn, xóm quản lý giao khoán cho các hộ. Hầu hết các xã chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất công ích theo quy định, chưa ký hợp đồng thầu khoán theo quy định. Đáng kể, diện tích đất nông nghiệp công ích chưa giao khoán trên địa bàn các xã, thị trấn còn rất lớn (khoảng 80%), chưa tận dụng được hết nguồn thu. Những bất cập kể trên đã được Thường trực HĐND huyện chỉ ra sau khi thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng đất công ích tại các xã, thị trấn trên địa bàn vào đầu tháng 7-2023.

Để chấn chỉnh bất cập và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất công ích, UBND huyện Nam Trực tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, các xã, thị trấn gia tăng các giải pháp thiết thực. Trong đó, các xã, thị trấn cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, quản lý nghiêm đối với quỹ đất này theo hướng dẫn của Phòng TN và MT; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn; lập biên bản hiện trạng đối với những diện tích có biến động, thay đổi hiện trạng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và ký hợp đồng khoán thầu theo quy định; từng bước tiến hành cắm mốc giới tại các thửa đất công ích ven lũy, ven làng, ven đường... dễ bị lấn chiếm.

Các cơ quan chức năng của huyện sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất công ích của cán bộ, công chức xã, thị trấn. Phòng TN và MT kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn tiến hành rà soát toàn bộ lại diện tích đất công ích; lập biên bản những diện tích bị thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất. Căn cứ vào hồ sơ kiểm kê đất đai năm 2019 và hồ sơ thống kê biến động đất hàng năm, hướng dẫn, đôn đốc UBND xã, công chức địa chính xã bổ sung, lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến diện tích đất công trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, thống nhất số liệu quản lý đất công ích giữa các xã, thị trấn với Phòng TN và MT. Tham mưu cho UBND huyện hướng xử lý nhằm tăng giá trị kinh tế đối với các diện tích đất công ích trồng lúa kém hiệu quả (chiếm phần lớn diện tích đất công ích) như chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy định pháp luật./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com