Cho vay trực tuyến tăng mạnh, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vốn

07:56, 08/08/2023

Ngày 28-6-2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2023. Với những bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, Thông tư 06 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số (CĐS) tích cực hơn nữa trong hoạt động cho vay nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng không phải trực tiếp đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay. Thực hiện những quy định này sẽ tạo tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận vốn phục hồi nền kinh tế.

Giải ngân vốn vay tại quầy ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)  Chi nhánh 
Nam Định.
Giải ngân vốn vay tại quầy ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định.

Theo NHNN, Thông tư 06 góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay. Thông tư quy định, dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống (nếu được nhận biết, xác minh thông tin khách hàng) theo quy định không vượt quá 100 triệu đồng tại một TCTD. Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho TCTD các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định. TCTD xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử phải đảm bảo nguyên tắc phân định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay. Thỏa thuận cho vay được lập thành văn bản, trường hợp là hợp đồng điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và phải có tối thiểu các nội dung quy định. Trường hợp có rủi ro phát sinh, TCTD phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD. 

Để nhanh chóng đưa Thông tư 06/2023/TT-NHNN vào cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, thời gian qua, các TCTD đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công. Đơn cử, hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng, triển khai thu nợ tự động; đẩy nhanh tiến trình áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản đảm bảo. BIDV Chi nhánh tỉnh thì đã ứng dụng công nghệ từ việc tự động tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức, khách hàng bán lẻ hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ trong quản lý khách hàng, phân tích tài chính và khởi tạo hồ sơ tín dụng, số hóa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ luân chuyển, xử lý hồ sơ cấp tín dụng… cũng như yêu cầu quản trị, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ ngân hàng. Còn tại Vietcombank Chi nhánh Nam Định đã tích hợp hệ thống hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay khách hàng bán buôn, khách hàng bán lẻ...; đồng thời, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng. Tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), đối với sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) Chi nhánh Nam Định đã triển khai theo hình thức trực tuyến từ tháng 1-2018 từ đề nghị đến giải ngân thông qua ứng dụng ngân hàng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định đã áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng đặc biệt là tệp khách hàng đã có sẵn thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp; không giấy tờ hồ sơ, đảm bảo an toàn, chi phí thấp. Thực hiện thẩm định và xét duyệt tín dụng trên hệ thống luân chuyển hồ sơ và phê duyệt tín dụng nội bộ (thay vì các hồ sơ bản cứng trước đây), định giá, phê duyệt và quản lý tài sản bảo đảm sau cho vay được thực hiện trên hệ thống quản lý tài sản đảm bảo, tiến tới áp dụng đại trà các sản phẩm cho vay trực tuyến rộng rãi hơn, cả trên kênh eBank và kênh LiveBank. Sacombank Chi nhánh Nam Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý khoản cấp tín dụng đối với khoản cho vay cá nhân nhỏ lẻ dưới 500 triệu đồng. VPBank Chi nhánh Nam Định đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút; ứng dụng cho phép cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến; ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng tự thực hiện KYC thông qua nhận diện khuôn mặt trên CMND/CCCD (ứng dụng eKYC và OCR).

Trong hơn 2 năm qua, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thích ứng với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều TCTD đã nhìn nhận và xác định rõ CĐS là nhiệm vụ sống còn của ngành Ngân hàng, trong đó, có hoạt động cho vay. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TCTD, loại bỏ các yếu tố cảm tính và chủ quan của cá nhân của cán bộ tín dụng, thẩm định khi ra quyết định; tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí và nguồn lực vận hành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của TCTD, đồng thời gia tăng tiện ích và trải nghiệm đối với khách hàng, rút ngắn thời gian phục vụ.

Đây cũng là xu thế chính hiện nay khi các TCTD đều đẩy mạnh ứng dụng toàn diện, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số; tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số hóa theo hướng nâng cao tính tự động hóa cho quy trình cho vay (tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình). Hiện các TCTD áp dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, quyết định lựa chọn thực hiện tự động một khâu/một vài khâu hay toàn bộ quy trình cho vay không đồng đều giữa các TCTD do nhiều lý do như: tiêu chí cho vay, độ an toàn, bảo mật, phòng ngừa rủi ro, đặc điểm hoạt động kinh doanh và chính sách nội bộ của mỗi TCTD, hành vi người dùng chưa chấp nhận thay đổi sang vay trên phương tiện điện tử… Nhiều hoạt động cho vay vẫn phải yêu cầu “chữ ký sống” của khách hàng mới có thể phê duyệt và tiến hành các bước thẩm định theo quy định. Vì thế, Thông tư 06 đã “cởi trói” rất nhiều quy định trước đây, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận và được giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời hơn nhất là cho vay tiêu dùng để kích cầu nền kinh tế. 

Với quyết tâm, giải pháp đồng bộ từ phía NHNN, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực sẽ giúp cho các TCTD chủ động thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn, khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com