Trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả cả 3 nội dung: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện được mục tiêu đó, việc xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung trong toàn tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất quyết định thành công của cả 3 trục phát triển trong CĐS.
Trên cơ sở định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) về tăng cường chia sẻ, liên thông, kết nối dữ liệu thì nền tảng CSDL dùng chung của tỉnh được xây dựng nhằm thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên nền tảng CSDL. Theo đó, hệ thống CSDL dùng chung của tỉnh bao gồm dữ liệu số ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội được tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh và các bộ CSDL quản lý cán bộ, công chức; quản lý giống cây trồng; báo cáo thống kê ngành TT và TT; văn hoá - thông tin; thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh… Đặc biệt từ năm 2022, kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân được xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện, giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của cá nhân trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đầu năm 2023 CSDL cán bộ công chức đang được hoàn thiện, tích hợp đưa vào sử dụng. Hệ thống CSDL dùng chung tỉnh tại địa chỉ: https://lgsp.namdinh.gov.vn cho phép quản lý CSDL tập trung của các sở, ban, ngành trên một hệ thống duy nhất. Hệ thống cung cấp các bộ ứng dụng cho nhiều đối tượng khác nhau như người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 9/9 dịch vụ chia sẻ dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Đồng thời tỉnh đã thực hiện kết nối 15/15 dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh đúng theo hướng dẫn của Bộ TT và TT với tổng số giao dịch qua NDXP là 651.077 triệu lượt. Như vậy với mỗi giao dịch qua NDXP, người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần; công chức, viên chức, người lao động không phải nhập dữ liệu, tổng hợp dữ liệu trên nhiều phần mềm khác nhau; giúp lãnh đạo có thông tin tổng hợp, thống nhất, tin cậy để có quyết định kịp thời, hiệu quả. Hơn thế nữa dữ liệu được sử dụng lại, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí. Do vậy, ước tính, mỗi giao dịch qua NDXP giúp tiết tiệm 3.000 đồng cho xã hội (chi phí di chuyển đến - về chỗ chứng thực giấy tờ, chi phí chứng thực giấy tờ, thời gian chờ, chi phí xử lý của công chức; chưa kể chi phí cơ hội, chi phí lưu trữ giấy tờ bản giấy...).
Sản phẩm trứng gà sạch của trang trại gà Công Phượng, xã Hải Xuân (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao được quản lý dữ liệu tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện là một trong những đơn vị tích cực CĐS. Đến nay, Sở đã xây dựng, đưa vào hoạt động ổn định hệ thống CSDL nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống CSDL về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025… Do đó, đến nay đã có 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 300 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm; 2.200 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tương tự, hiện một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, TT và TT… cũng đang nhanh chóng, tích cực triển khai ứng dụng hệ thống số hóa hồ sơ thủ tục hành chính và xây dựng CSDL dùng chung toàn tỉnh. Với hệ thống này, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính ở 5 bước trong quy trình, từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số đến trả kết quả, sẽ được số hóa, lưu trữ trên một hệ thống CSDL chung.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống CSDL quốc gia trên địa bàn tỉnh, CSDL chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Xây dựng Kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh, Kho dữ liệu điện tử cá nhân và hệ thống thu thập, xử lý, chuẩn hóa dữ liệu của tỉnh. Đồng thời triển khai ứng dụng hiệu quả nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính quyền số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Bằng cách làm bài bản, đúng quy chuẩn và quyết tâm cao của tất cả các cấp, các ngành, chắc chắn kho CSDL dùng chung của tỉnh ngày càng được bồi đắp đầy đủ và được ứng dụng sâu rộng, làm nền móng vững chắc cho tiến trình CĐS toàn diện, góp phần tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin