Hải Hậu hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP

08:18, 10/05/2023

Chiếm trên 50% tổng số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh, huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sở dĩ có được kết quả tích cực đó là bởi huyện không chỉ quan tâm phát triển số lượng mà chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP giúp sản phẩm phát triển bền vững.

Kiểm tra chất lượng nấm bào ngư, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tại hợp tác xã dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính.
Kiểm tra chất lượng nấm bào ngư, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tại hợp tác xã dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính.

Huyện Hải Hậu đã xây dựng được 85 sản phẩm của 51 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Tiêu biểu là các sản phẩm: Nước mắm Ninh Cơ (4 sao) của Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định; muối sạch, muối i-ốt của Công ty TNHH Vạn Ninh, xã Hải Đông; rượu Linh Chi của hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Linh Phát; gạo tám xoan bao tử của Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Hải Hậu; trà dây thìa canh Hải Hậu ACT, cao dây thìa canh Hải Hậu ACT của hợp tác xã dược liệu Hải Hậu ACT; Ecohost - Hải Hậu của Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư ECOHOST; bánh nhãn Tết Vua của hộ kinh doanh Lưu Liên Phương… Các sản phẩm OCOP đều mang đặc trưng văn hóa đất và người Hải Hậu, được người tiêu dùng đánh giá cao. 

Tuy nhiên theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đa phần các sản phẩm OCOP của huyện có đặc điểm chung là sản xuất đại trà, quy mô nhỏ, thị trường hẹp, hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các sản phẩm này vẫn cần được đầu tư nâng cao hơn nữa về chất lượng, quản lý sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đầu tư cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu chế biến, cải thiện bao bì, tổ chức các mô hình liên kết mở rộng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là trở ngại lớn cho các sản phẩm OCOP khi tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại. 

Để nâng tầm sản phẩm OCOP, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại cho sản phẩm như truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP cấp huyện, xây dựng website bán hàng trực tuyến, xây dựng, thiết lập mã QRCode; xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu tại thị trấn Yên Định, xã Hải Thanh. Huyện thường xuyên tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP vào các dịp Tết âm lịch, ngày lễ 30-4 và 2-9, khuyến khích các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của hội viên. 

Đặc biệt từ năm 2020, huyện đã thực hiện Dự án hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện nhằm hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển thương mại cho các sản phẩm được công nhận OCOP. Theo đó, huyện lựa chọn 40 sản phẩm OCOP đặc trưng nhất, có chất lượng ổn định trong vòng 3 năm liên tiếp để hỗ trợ xây dựng hoặc chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện mẫu nhãn hiệu (Logo) nhận dạng, phân biệt sản phẩm OCOP của huyện với các sản phẩm cùng loại có nguồn gốc xuất xứ ở địa phương khác trên thị trường. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm OCOP góp phần tạo căn cứ pháp lý để bảo vệ sản phẩm và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm một cách bền vững, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Phát hành đăng bạ về các sản phẩm OCOP của huyện; nghiên cứu thị trường đưa ra những phương án thúc đẩy phát triển sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP qua việc trưng bày sản phẩm OCOP của huyện.

Bà Đỗ Thị Cúc, xóm 2 xã Hải Tây, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao “Trà Thanh Tâm An” phấn khởi cho biết: “Gia đình vốn làm nghề thuốc đông y gia truyền lâu đời, có nhiều bài thuốc quý, được người dân trong vùng tín nhiệm, nhưng xuất bán ra thị trường ngoại tỉnh thì rất khó khăn bởi chưa có các yếu tố thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng. Năm 2021, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sản phẩm “Trà Thanh Tâm An” đã đạt tiêu chí OCOP 3 sao. Đồng thời huyện hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bộ nhận diện thương hiệu nên sản phẩm “Trà Thanh Tâm An” nhanh chóng mở rộng thị trường, được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết tới, tạo thêm cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm”. Từ chỗ bán cho khách quen, đến nay nhờ có bộ nhận diện thương hiệu mà khách hàng các tỉnh xa tin tưởng lựa chọn. Bình quân mỗi tháng cơ sở của bà Cúc xuất bán ra thị trường 1 tạ trà. Ngoài ra, hơn 70 loại dược liệu khác như: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới… và nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: Trà giảm cân, dưỡng nhan; chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh; trà cho bệnh nhân tiểu đường và các loại dầu gội đầu, sữa tắm thảo dược của cơ sở được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Hiện tại, cơ sở chế biến thuốc, dược liệu của gia đình bà Cúc tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho khoảng 10 lao động nữ tại địa phương. 

Hỗ trợ phát triển thị trường một cách bài bản, huyện Hải Hậu không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, trao cho các chủ thể OCOP tài sản trí tuệ vĩnh viễn mà còn khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng mô hình sản xuất một cách bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cho tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% chủng loại nông sản, thực phẩm chủ lực của huyện (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cây dược liệu, nấm, thịt lợn, trứng gia cầm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá đặc sản nước ngọt, các sản phẩm chế biến từ thủy sản và rau, củ, quả chất lượng cao) được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với chế biến, phát triển sản phẩm OCOP và được Nhà nước bảo hộ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com