Xuân Kiên ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp

08:29, 18/04/2023

Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đồng thời tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất trên đồng ruộng, hiện xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Xuân Kiên.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Xuân Kiên.

Để từng bước khép kín các khâu sản xuất bằng máy thay thế lao động thủ công, trong vụ xuân 2023, xã Xuân Kiên đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện thực hiện mô hình trình diễn UAV (thiết bị bay không người lái) “2 trong 1” bao gồm gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quy mô 5ha tại xóm 2. Nếu so với gieo sạ truyền thống, trên diện tích này phải cần đến 20 người gieo trong 1 ngày thì sử dụng UAV chỉ cần 1 người vận hành thiết bị đứng tại địa hình tốt, điều khiển thiết bị gieo từ xa có thể hoàn thành sạ 5ha lúa chỉ mất chưa đầy 2 giờ. Ngoài ra, khi sạ bằng UAV, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm cũng sẽ hiệu quả hơn so với phương thức thủ công; đặc biệt là không để lại những dấu chân trên mặt ruộng, giảm chi phí, sức lao động. Không chỉ vậy, việc sạ đồng loạt giúp lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, dễ quản lý cỏ dại và dịch hại khi việc phun thuốc BVTV được thực hiện đồng loạt. Trong tháng 4, xã tiếp tục sử dụng UAV để phun thuốc BVTV phòng trừ dịch hại lúa. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã DVNN Xuân Kiên Đinh Văn Tâm cho biết: Nếu phun thủ công như hiện nay bình quân chi phí hết 550-700 nghìn đồng/ha nhưng cũng không dễ tìm thuê được người phun; trong khi sử dụng UAV mỗi giờ có thể phun được 2,5-3ha, mỗi ha chỉ mất 450 nghìn đồng, lại không phụ thuộc vào việc tìm người để thuê nên chủ động được trong chăm sóc cây trồng. Ngoài ưu điểm về giảm chi phí, sử dụng UAV để phun thuốc BVTV với hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp gió trời còn đảm bảo thuốc bám đều lên cả 2 mặt lá, giúp cây hấp thụ tốt, thuốc không đọng kết thành hạt rơi xuống đất gây hại môi trường, khả năng dập dịch nhanh; khắc phục được việc phun không đồng bộ (pha trộn nhiều loại thuốc, liều lượng không đồng nhất, có hộ phun, hộ không phun) dẫn đến kết quả diệt trừ sâu bệnh không triệt để. Mặt khác còn khắc phục tình trạng xả thải bừa bãi vỏ bao bì thuốc BVTV ra ngoài môi trường. Ngoài ra, sử dụng UAV còn giúp chủ động thời gian phun với khả năng phun thuốc ban đêm; phun chính xác với việc kiểm soát, tiết kiệm lượng thuốc BVTV, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời giảm thiểu tổn thất sản lượng lúa so với phương thức phun thủ công do lúa không bị người đi phun giẫm lên. “Sự hỗ trợ của UAV giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước và quan trọng nhất là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe của người dân. Đây là xu thế công nghệ hóa nông nghiệp, tiến tới sản xuất hàng hóa theo quy mô cánh đồng lớn” - đồng chí Đinh Văn Tâm cho biết thêm. Mô hình trình diễn sử dụng UAV để gieo sạ, phun thuốc BVTV là tiền đề để xã Xuân Kiên tiếp tục mở rộng diện tích cơ giới hóa đồng bộ từ các khâu lấy nước, làm đất, gieo cấy, phun thuốc BVTV và thu hoạch trong thời gian tới.

Xã Xuân Kiên có 195ha đất cấy lúa. Những năm gần đây, lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp tại Xuân Kiên ngày càng khan hiếm do xã có ngành nghè thủ công nghiệp, mặt khác tại địa bàn và các vùng xung quanh có nhiều doanh nghiệp may công nghiệp, sản xuất giày da và các dịch vụ  phát triển đã thu hút hết nhân lực khỏe, một số thanh niên đi làm ăn xa. Chi phí thuê nhân công lúc vào vụ sản xuất tăng cao. Điều này dẫn tới việc gieo cấy không đảm bảo được thời vụ, phòng trừ sâu bệnh không đảm bảo kịp thời, khó thu hoạch lúa “lách” thời tiết bất thuận, làm giảm hiệu quả sản xuất. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đông cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, xã đã quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng bằng cách phá bỏ các bờ nhỏ, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng của xã được mở rộng với bề mặt 3m, rải đá cấp phối; 60% kênh cấp III được bê tông hóa hình thành 2 cánh đồng lớn “liền bờ, liền thửa”, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất ở 2 vụ lúa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương nên khi máy móc đưa vào người dân “bắt nhịp” rất nhanh. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo sạ, điều tiết nguồn nước, thu hoạch tại Xuân Kiên cơ bản đạt 100% diện tích canh tác. Người dân có ruộng chỉ phải làm các công đoạn san ruộng, đắp bờ gió, bón phân. Vì thế mỗi khi vào vụ nông dân không lo nhiều đến việc tìm thuê người để làm đất, gieo cấy, thu hoạch…; các hộ dân vừa có thể duy trì diện tích cấy lúa, vừa chuyển đổi ngành nghề để nâng cao thu nhập.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ tại xã Xuân Kiên đang trở thành chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Bình quân năng suất lúa của xã đạt 130 tạ/ha; tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp đạt 2,5-3%; không có diện tích ruộng bị bỏ hoang. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung củng cố, vận hành có hiệu quả số lượng máy móc hiện có của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giá trị gia tăng của nông sản. Tiếp tục thực hiện tốt những cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích chủ thể sản xuất đầu tư nguồn lực cho cơ giới; nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ cơ khí nông nghiệp; phát triển các chuỗi liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, kết hợp giữa kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất với cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com