Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW của BCH Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, trọng tâm là các mô hình tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Thành viên tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Hải Xuân (Hải Hậu) kiểm tra sự sinh trưởng của tôm. |
Để nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên thay đổi phương thức sản xuất truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, tăng cường liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh quan tâm hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tiếp cận các nguồn vốn vay... Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ưu tiên cho vay các dự án theo mô hình sản xuất liên kết, trong đó có trên 60 tổ hợp tác đã được vay vốn. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Bạch Long; tổ hợp tác chế biến nước mắm xã Giao Châu (Giao Thủy); tổ hợp tác nuôi cá bống bớp thị trấn Rạng Đông, tổ hợp tác trồng quất, đào cảnh thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi thuỷ sản xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); tổ hợp tác trồng cây đinh lăng xã Hải An (Hải Hậu); tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong (thành phố Nam Định)… Trong năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 28 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã, nâng tổng số lên 177 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với trên 3.000 thành viên tham gia, phát huy được thế mạnh kinh tế ở từng địa phương. Các tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở các vùng nông thôn. Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu tập trung vào hỗ trợ vốn, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên. Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Tại huyện Nam Trực, các mô hình tổ hợp tác đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Tháng 10-2019, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của nông dân xã Điền Xá được thành lập với 19 thành viên tham gia; thành phần nòng cốt là các doanh nghiệp, nhà vườn tiêu biểu. Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau tiếp cận công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, nguồn vốn ưu đãi; đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hoa cây cảnh, xây dựng và phát triển xã nghề, hướng tới mục tiêu gắn với du lịch sinh thái, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau thời gian đi vào hoạt động hiệu quả, hiện nay, mô hình tổ hợp tác đã được nhân rộng, nâng tổng số lên 36 thành viên. Trong đó, ông Đỗ Duy Bắc là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Trung ương HND Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp cận 2 kênh hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ hợp tác còn xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để 10 tổ viên được tiếp cận nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương. Tại xã Nam Thắng, phát huy lợi thế của vùng bãi bồi màu mỡ ven sông Hồng, nhiều năm qua, các hộ dân đã đưa giống cỏ Nhật về vùng đất bãi trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả; đồng thời tích cực trồng các loại cây cảnh ở vùng chuyển đổi và tại gia đình. Nhiều hộ đã trở nên khá và giàu từ trồng cây cảnh, cỏ Nhật. Để mở rộng quy mô sản xuất, gắn kết hội viên cùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tháng 9-2019, tổ hợp tác trồng cỏ Nhật gồm 11 thành viên, tổ hợp tác trồng cây cảnh gồm 10 thành viên được thành lập. Trong đó, mỗi thành viên tổ hợp tác trồng cây cảnh có từ 2 đến 5 sào cây cảnh với các loại cây giống: ngâu, sanh, tùng kim, tùng la hán, cho thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm. Hàng tháng, các tổ hợp tác duy trì sinh hoạt tạo điều kiện để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, từ đó áp dụng vào sản xuất cũng như nắm bắt, chia sẻ về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra phải kể đến các tổ hợp tác “Nuôi cá nước ngọt”, “Chăn nuôi gà lấy thịt” tại xã Nam Cường; các tổ hợp tác “Đan cói xuất khẩu” tại xã Nam Lợi…
Tại huyện Nghĩa Hưng, các cấp HND trong huyện luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình tổ hợp tác góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 23 tổ hợp tác với 375 thành viên tham gia với các ngành nghề như trồng nấm, chăn nuôi trâu, ếch, nuôi cá bống bớp, cá mú, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng hoa, cây cảnh… Các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên duy trì hoạt động, cùng nhau góp quỹ, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và giá cả tiêu thụ sản phẩm theo sự thống nhất chung. Điển hình là tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh của HND thị trấn Liễu Đề sau 3 năm thành lập đã có số vốn đóng góp quỹ hoạt động 1,1 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ các thành viên vay vốn để mở rộng sản xuất. Mô hình “2 trong 1” (Tổ hợp tác - Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú) của HND xã Phúc Thắng với 23 thành viên đã phát huy thế mạnh của địa phương về nuôi trồng thủy hải sản… Tại thị trấn Rạng Đông, từ tháng 10-2015, HND thị trấn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp với 17 thành viên tham gia nhằm liên kết nông dân cùng nhau sản xuất, mang lại khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, đồng đều; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Với gần 7km bờ biển và vùng bãi triều rộng lớn, có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của cá bống bớp, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp đã liên kết chặt chẽ trong các khâu của quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ chỗ không chủ động được nguồn con giống, người dân phải tự khai thác, đánh bắt ngoài biển hoặc thu mua lại của những hộ dân ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu... nuôi vỗ thành thương phẩm, đến nay đã có 2 thành viên Tổ hợp tác đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất giống cá bống bớp, giúp các hộ nuôi giảm chi phí sản xuất.
Hoạt động của các tổ hợp tác đã mang lại “hiệu quả kép”, vừa giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, vừa xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh. Tham gia vào các tổ hợp tác, hội viên nông dân có cơ hội tiếp cận, vận dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ngày càng có nhiều hội viên vươn lên làm giàu, đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin