Trước tình trạng lúa xuân bị nhiễm lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma), ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhổ bỏ và xử lý lúa cỏ để giảm thiểu sự lây lan ra diện rộng, góp phần bảo đảm năng suất, chất lượng, sản lượng lúa xuân.
Nông dân xã Xuân Hồng (Xuân Trường) kiểm tra, phát hiện và nhổ bỏ ngay lúa cỏ để bảo vệ lúa cấy. |
Vụ xuân 2023, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) gieo cấy hơn 350ha lúa. Mặc dù ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND xã đã chỉ đạo hợp tác xã khuyến cáo, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình canh tác tổng hợp, chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay hoặc cấy máy; mua thóc giống ở những cơ sở có uy tín, không sử dụng thóc thịt làm thóc giống… để hạn chế tình trạng lúa cỏ. Tuy nhiên đến thời điểm này, toàn xã vẫn có trên 50ha lúa xuân bị nhiễm lúa cỏ. Trước tình trạng trên, người dân đã chủ động xuống đồng nhổ bỏ lúa cỏ nhằm hạn chế lây lan và phát triển ở những diện tích khác. Lúa cỏ xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 2020. Với tốc độ lây lan nhanh, sinh trưởng mạnh. Hiện nay lúa cỏ đã xuất hiện ở nhiều xứ đồng, khiến bà con nông dân mất rất nhiều công sức, thời gian để tiêu diệt lúa cỏ…
Không chỉ ở Xuân Trường, tình trạng lúa cỏ đã xuất hiện ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), vụ xuân 2023, toàn tỉnh gieo cấy 71.200ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích. Hiện ở các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản... đã có trên 250ha lúa xuân bị nhiễm lúa có. Diện tích ruộng bị nhiễm lúa cỏ chủ yếu là chân đất vàn, vàn cao. Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Lúa cỏ (tên khoa học là Oryza sativa) cùng loài với lúa trồng nhưng là loài phụ, không cho năng suất, chất lượng như con người mong muốn. Lúa cỏ là một loại dịch hại nghiêm trọng trong các vùng trồng lúa; lưu tồn trên đất trồng lúa trong thời gian dài, có nguy cơ lây lan và gây hại diện rộng; sinh trưởng và phát triển mạnh. Chúng cạnh tranh trực tiếp về ánh sáng, không gian sống, dinh dưỡng, nước với lúa trồng; làm giảm chất lượng lúa gạo và rất khó phòng trừ nếu không có biện pháp quản lý kịp thời".
Có nhiều nguyên nhân khiến lúa cỏ xuất hiện và lan rộng ở vụ xuân này như: Hạt giống bị lẫn lúa cỏ; Người dân tự để giống lúa, sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy, làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng. Ngoài ra, thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn hạt lúa cỏ tồn lưu trên đồng ruộng từ những vụ trước chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán theo nguồn nước, máy nông cụ (máy làm đất, máy gặt…) từ ruộng này sang ruộng khác hay từ địa phương này sang địa phương khác… Đặc biệt, tình trạng người dân bỏ hoang ruộng, không canh tác là điều kiện “lý tưởng” để lúa cỏ xuất hiện, lây lan sang những diện tích trước đây bị nhiễm nhẹ hoặc chưa nhiễm. Lúa cỏ lây lan và phát triển rất nhanh, nếu không tích cực xử lý và nhổ bỏ sớm thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng của lúa trồng. Khi phát hiện, người nông dân cần chủ động nhổ bỏ ngay bởi đây là loại lúa hoang dã, sống dai, nếu để lâu thì rất khó xử lý và tốc độ lây lan, phát triển nhanh. Nếu trên đồng ruộng, lúa cỏ xuất hiện trên 70% sẽ làm giảm năng suất hoặc không cho thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng giá trị hàng hóa của lúa trồng, đồng thời khiến nông dân mất nhiều thời gian, công sức, tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Để hạn chế tình trạng lúa cỏ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân cần áp dụng tổng hợp 4 biện pháp kỹ thuật gồm: Biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp sử dụng thuốc hóa học. Trong đó, ưu tiên vào biện pháp canh tác (chọn giống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi phương thức gieo cấy từ sạ sang cấy tay hoặc cấy máy, chủ động phòng chống lúa cỏ ngay từ khi làm đất, ngăn chặn sự lây lan lúa cỏ theo máy móc, đảm bảo chế độ nước trong ruộng). Bà con nông dân cần thường xuyên bám đồng kiểm tra, khi phát hiện thì nhổ bỏ ngay lúa cỏ và đem tiêu hủy... Về lâu dài, bà con nông dân cần đẩy mạnh việc áp dụng mô hình “máy cấy - mạ khay” hoặc cấy tay truyền thống để hạn chế lúa cỏ, đồng thời khi phát hiện lúa cỏ cũng dễ xử lý; kiên quyết không gieo thẳng ở những vùng hay xứ đồng đã từng nhiễm lúa cỏ. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, phối hợp ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình tổng hợp xử lý lúa cỏ, giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc chuyển đổi phương thức gieo cấy và áp dụng các biện pháp xử lý lúa cỏ hiệu quả. Thực hiện vệ sinh triệt để đồng ruộng, kênh mương, làm đất kỹ, nhất là cày ải cho toàn bộ diện tích đất lúa không trồng cây vụ đông. Tăng cường thu thập, phân tích, giám định các mẫu rầy di trú. Không bỏ ruộng hoang nhằm hạn chế nơi lưu trú, sinh tồn và phát triển lúa cỏ./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin