Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đòi hỏi các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là phải định vị được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường trong và ngoài nước.
Công bố nhãn hiệu tập thể cơ khí Xuân Tiến, xã Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) có hiệu lực và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ các giai đoạn triển khai từ năm 2006 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 phê duyệt “Chiến lược SHTT đến năm 2030”, tỉnh đã luôn quan tâm và có những giải pháp để phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực phát triển. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế cho sản phẩm. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa tại tỉnh.
Công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, in phát tờ rơi, đăng tải trên website. Sở KH và CN đã tổ chức 15 lớp tập huấn về SHTT cho gần 1.000 lượt đối tượng là cán bộ KHCN, các tổ chức KH và CN, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, sinh viên các trường đại học, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP… góp phần nâng cao nhận thức về quyền SHTT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH và CN đã tăng cường công tác tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm làng nghề, nông sản, hải sản; hỗ trợ thực hiện các hoạt động về bảo vệ thương hiệu như: thiết kế, xây dựng nhãn hiệu; xây dựng quy chế, mô hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu; xây dựng các phương tiện quảng bá, khai thác giá trị nhãn hiệu và hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã khai thác và phát triển hiệu quả thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ như: sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 3 sản phẩm gắn nhãn hiệu chứng nhận là đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu, mật ong sú vẹt Vườn Quốc gia Xuân Thủy; 8 sản phẩm gắn nhãn hiệu tập thể gồm sinh vật cảnh Vị Khê, cơ khí đúc Ý Yên, cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), sản phẩm nông nghiệp sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định, nước mắm Giao Châu (Giao Thủy), cá bống bớp Nghĩa Hưng, gạo tám xoan Hải Hậu, rượu nếp Yên Phú (Ý Yên). Hiện tỉnh đang xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Phở xưa Nam Định”.
Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - coi đây là mục tiêu chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình OCOP, Sở KH và CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho 30 sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu và 150 sản phẩm OCOP của các địa phương khác đạt từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, Sở KH và CN đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học SHTT (Bộ KH và CN) về xây dựng thiết kế giao diện (DashBoard) quản trị tài sản trí tuệ riêng cho tỉnh trên Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp IPPlatform. Nền tảng này đã cung cấp thông tin về tài sản trí tuệ và quyền SHTT bao gồm: thông tin về tình trạng kỹ thuật, phạm vi bảo hộ, khả năng bảo hộ, khả năng sử dụng tài sản trí tuệ và quyền SHTT, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp cận, khai thác thông tin. Có thể nói, việc sử dụng nhãn hiệu đã được tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mang tên các địa danh trên các sản phẩm có ý nghĩa lớn, thương hiệu có tính bền vững cao, được pháp luật thừa nhận và có ấn tượng đối với đại bộ phận người tiêu dùng. Từ đó giúp các sản phẩm truyền thống, chủ lực của địa phương được khai thác một cách hiệu quả và phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, đã có những thương hiệu phát triển mạnh trên thị trường trong tỉnh và trong nước. Điều này thể hiện thông qua việc tăng trưởng quy mô sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa so với trước, điển hình như Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định, nước mắm Ninh Cơ...
Xây dựng, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng như đưa Luật SHTT vào cuộc sống là nhiệm vụ cần thiết và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các sản phẩm, trong đó đặc biệt là sản phẩm chủ lực của tỉnh đứng vững trên thị trường, thuận lợi xuất khẩu trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục SHTT, Nam Định hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp nhưng mới chỉ có gần 1.000 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; trung bình hàng năm tỉnh chỉ có khoảng 300 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định chỉ đứng thứ 7/11 tỉnh, thành phố về đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đây là một kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Thời gian tới, Sở KH và CN phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của địa phương, nhất là sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch của tỉnh. Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩn chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin