Kỳ vọng phát triển kinh tế hướng biển

22:04, 27/04/2023

Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân các huyện ven biển nỗ lực phát triển vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế - xã hội động lực của tỉnh, hướng tới trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 05 ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Phối cảnh Tổ hợp Thép Xanh Xuân Thiện Nam Định do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại vùng biển Nghĩa Hưng.
Phối cảnh Tổ hợp Thép Xanh Xuân Thiện Nam Định do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại vùng biển Nghĩa Hưng.

Vùng động lực tăng trưởng 

Những nỗ lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế biển (KTB) của tỉnh trong giai đoạn vừa qua phải kể đến hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng ven biển nói riêng. Trong đó, một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng KTB với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông... Ngoài ra, còn có dự án lớn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Cụm công trình nối sông Đáy - sông Ninh Cơ, cầu qua sông Đáy, đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Trước đó, Bộ GTVT đã hoàn thành tiểu hợp phần cải tạo cửa sông Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Công tác quy hoạch được tích cực triển khai, làm định hướng cho phát triển vùng KTB. Ngày 24-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1453/QĐ-TTg, đồng ý bổ sung Khu Kinh tế (KKT) Ninh Cơ vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích khoảng 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. KKT Ninh Cơ được định hướng xây dựng, phát triển thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ngày 12-10-2022, UBND tỉnh Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thành lập KKT Ninh Cơ và hiện nay đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các phần việc liên quan để đảm bảo hoàn thành Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-10-2023. Tháng 6-2022, tỉnh có văn bản đề xuất với Bộ GTVT cho bổ sung cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) thời kỳ 2021-2030; Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đề xuất về quy mô bến cảng là cơ bản phù hợp với nhu cầu nhập nguyên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp. Ngày 21-2-2023, Bộ GTVT đã chấp thuận bổ sung Quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1...

Nhờ những điểm nhấn tích cực đó, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại vùng KTB. Tại huyện Nghĩa Hưng, Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai đầu tư Tổ hợp dự án Thép Xanh với tổng vốn đăng ký đầu tư 3 tỷ USD. Tại huyện Hải Hậu, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu quy mô 79 nghìn m3. Đặc biệt, huyện Giao Thủy đã bứt phá, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh với nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh cả về nguồn lực, công nghệ về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các lĩnh vực xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, du lịch ven sông Hồng, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong, du lịch tắm biển Quất Lâm. Trong đó có 6 cụm công nghiệp, 1 khu công nghiệp được Tỉnh uỷ có văn bản đồng ý về chủ trương đầu tư. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đang đề xuất, nghiên cứu đầu tư khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Quất Lâm, quy mô trên 1.000ha (chủ yếu là lấn biển), với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50 nghìn tỷ đồng... Đến nay, KTB, các vùng ven biển của tỉnh hàng năm đóng góp trên 25% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; bình quân thu nhập của người dân ven biển bằng mức bình quân chung của cả tỉnh. Các địa phương vùng ven biển đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh 

Trong xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đã tích hợp đồng bộ các lĩnh vực, trong đó phát triển các ngành KTB và tổ chức không gian biển theo tầm nhìn mới, bền vững hơn. Cụ thể, căn cứ bản đồ đáy biển vùng biển Nam Định năm 2020, tỉnh xác định rõ tiềm năng mở rộng không gian mặt biển và đề xuất lấn ra khơi từ bờ biển ra điểm có độ sâu đáy biển khoảng 6m, quy mô diện tích nghiên cứu không gian biển khoảng 42 nghìn ha. Để sử dụng hiệu quả, bền vững và lâu dài, tránh sự thiếu hụt hay mất cân bằng trong việc sử dụng không gian biển, tỉnh chia thành các khu chức năng gồm: Khu vực an ninh, quốc phòng; Vườn quốc gia và các hệ sinh thái biển; khu vực cảng biển, hạ tầng giao thông biển và logistics; khu vực phát triển công nghiệp; khu vực khai thác tài nguyên biển; khu vực khai thác năng lượng tái tạo; khu vực phát triển du lịch và dịch vụ biển; khu vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; khu vực phát triển không gian đô thị biển; các công trình khác.

Tỉnh cũng định hướng chi tiết phương án bố trí sử dụng các không gian biển. Trong đó, tại khu vực sử dụng không gian biển cho khu vực cảng biển, hạ tầng giao thông biển và logistics, tỉnh dự kiến xây dựng cảng biển tại vùng biển huyện Nghĩa Hưng có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế; đầu tư xây dựng cảng sông Đáy để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa vùng Nam đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận; phát triển, nâng cấp cảng biển Thịnh Long (Hải Hậu) để có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ vận tải biển; đề xuất xây dựng cảng biển nước sâu đảm bảo tiêu chuẩn cảng loại I, có thể tiếp nhận tàu 200 nghìn - 300 nghìn DWT...; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa Hà Lạn kết hợp với bến cá Hà Lạn, mở rộng nâng cấp các điểm neo đậu tầu thuyền, phà, các bến đò ngang hiện có; xây dựng các bến bốc xếp hàng hoá: bến Giao Thiện, Ngô Đồng, Hồng Thuận công suất 100-200 nghìn tấn/năm…; xây dựng hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận vận chuyển (kho ngoại quan, logistics) gắn với hệ thống cảng biển, các điểm giao dịch thu mua sản phẩm của nông dân; xây dựng hệ thống phân phối hiện đại gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, tài chính, ngân hàng, siêu thị, trung tâm vận chuyển, giao nhận hàng hóa, chợ đầu mối đến các chợ dân sinh trên toàn địa bàn hai huyện từ đô thị tới các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn. 

Về phương án khai thác không gian biển phát triển công nghiệp, tỉnh xác định đây là khu vực trọng điểm phát triển của Nam Định đến năm 2030. Theo đó, sẽ ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp cơ khí, luyện cán thép, điện, năng lượng tái tạo, đóng và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, sản xuất thuốc và dược liệu, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ dệt may... tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Xây dựng và phát triển KKT Ninh Cơ trở thành KKT trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng, thu hút các dự án lớn, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, gắn với khai thác cảng biển nước sâu khu vực Nghĩa Hưng và phát triển một số ngành công nghiệp xanh, như ngành sản xuất theo chất lượng cao (thép xanh), công nghiệp chế biến chế tạo gắn với bảo vệ môi trường… 

Khu vực phát triển du lịch và dịch vụ biển, tỉnh định hướng gắn kết chặt chẽ với hệ thống du lịch và định hướng quy hoạch du lịch của tỉnh Nam Định, các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch tham quan, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái đồng quê, du lịch sinh thái chim nước - rừng ngập mặn (trong Vườn quốc gia Xuân Thủy). Trên cơ sở khai thác tiềm năng của địa phương sẽ xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển có tính cạnh tranh cao, phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường với tổng quy mô khoảng 750-800ha, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Quất Lâm, Giao Phong (thị trấn Quất Lâm mở rộng) với quy mô khoảng 350ha; Khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Thịnh Long, tại thị trấn Thịnh Long, quy mô khoảng 350ha; Khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Hải Đông, tại xã Hải Đông - thị trấn Cồn mở rộng với quy mô khoảng 120ha. Ngoài ra còn xây dựng một số khu du lịch với đa dạng các loại hình như du lịch sinh thái cộng đồng, khu du lịch di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch sinh thái... Khu vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tỉnh định hướng khai thác tối đa 72km bờ biển và 4 cửa sông lớn ra biển, gồm: Cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn, cửa Lạch Giang và cửa Đáy. Khu vực ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển KTB nhất là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo đó tỉnh xác định phân vùng cho nuôi trồng thủy sản ở tất cả các xã thuộc vùng bờ của ba huyện có biển; phân vùng khai thác và đánh bắt hải sản ở tất cả các xã thuộc vùng bờ của ba huyện có biển, ngoại trừ khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy; xây dựng cảng thủy sản tại khu vực Thịnh Long; nâng công suất khu vực cảng cá Ninh Cơ.

Với tầm nhìn, định hướng mới, tỉnh phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng KTB trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.

Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com