Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ quá trình đô thị hóa: Kỳ 1 - Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế

07:45, 09/03/2023

Đô thị hóa giữ vai trò thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế bởi đặc trưng có sự tập trung cao các yếu tố như vốn, lao động, dịch vụ công nghệ kỹ thuật, khả năng kinh doanh của các cá thể, tổ chức kinh tế, sức cạnh tranh thị trường và sự tác động qua lại lẫn nhau giữa nhiều yếu tố (quy mô, ngoại ứng, nội sinh...) tại các vùng đô thị. Do đó, các giải pháp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các địa bàn theo quy hoạch luôn được tỉnh chú trọng thực hiện và đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. 

Khu đô thị Dệt may xây dựng trên nền đất khu Nhà máy Liên hợp dệt cũ, tạo điểm nhấn về cảnh quan, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố Nam Định.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Khu đô thị Dệt may xây dựng trên nền đất khu Nhà máy Liên hợp dệt cũ, tạo điểm nhấn về cảnh quan, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố Nam Định. 

Kỳ 1: Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế

Quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã diễn tiến trong thời gian khá dài, nhất là từ năm 2010 đến nay với sự tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ. Toàn tỉnh hiện đã phát triển 17 đô thị các loại, trong đó có 1 đô thị loại I là thành phố Nam Định, 1 đô thị loại IV là thị trấn Thịnh Long và 15 đô thị loại V là các thị trấn huyện lị và trung tâm vùng huyện: Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc), Yên Định, Cồn (Hải Hậu), Rạng Đông, Quỹ Nhất, Liễu Đề (Nghĩa Hưng), Quất Lâm, Ngô Đồng (Giao Thủy), Cổ Lễ, Cát Thành, Ninh Cường (Trực Ninh), Xuân Trường (Xuân Trường), Lâm (Ý Yên), Gôi (Vụ Bản), Nam Giang (Nam Trực). Khu vực có tốc độ đô thị hoá cao là khu vực dọc theo Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 (là các trục giao thông huyết mạch cũ, động lực phát triển chính của tỉnh từ lâu) với các đô thị quan trọng như thành phố Nam Định, các thị trấn Cổ Lễ, Xuân Trường, Quất Lâm, Rạng Đông, Quỹ Nhất...

Thành phố Nam Định là đô thị tỉnh lỵ được hình thành và phát triển sớm (cuối thế kỷ 19), có vai trò trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng. Thành phố đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 90%, tiêu biểu cho diện mạo đô thị của tỉnh, được quy hoạch bài bản; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh. Riêng giai đoạn 2015-2020, thành phố đã huy động hơn 43 nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng, chỉnh trang đô thị, nhất là hệ thống giao thông qua thành phố rất thuận tiện với các tuyến Quốc lộ (10, 21, 21B), tuyến đường sắt Bắc - Nam). Nhiều công trình tạo điểm nhấn về diện mạo, cảnh quan, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Khu đô thị Dệt Nam Định, Nam Định Tower, Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh, Khách sạn Nam Cường... Khu dân cư nội thành của thành phố chủ yếu được xây dựng theo hình thái kiến trúc nhà lô phố - nhà ở kết hợp kinh doanh; khu vực phía Nam sông Đào cũng đang từng bước phát triển và khai thác sâu giá trị nổi trội về cảnh quan sinh thái nông nghiệp của các khu làng trồng hoa, cây cảnh nằm đan xen với các vùng trồng lúa và vùng đất bồi ven sông màu mỡ, trù phú. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 95,9%, chủ yếu là lao động ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và xây dựng đô thị với đa dạng các ngành nghề, dịch vụ như: cơ khí chế tạo điện, điện tử, dệt may, da giày, nhà hàng, sửa chữa bảo trì thiết bị xe máy và thiết bị cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, nghề truyền thống, vận tải... Từ tháng 11-2011, thành phố Nam Định đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; giữ vai trò là đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Giữ vai trò là cửa ngõ giao thông đầu tiên từ các huyện phía Đông Nam lên thành phố Nam Định do nằm ở phía Bắc huyện Trực Ninh, vì vậy thị trấn Cổ Lễ được phát triển theo hình thái đô thị vệ tinh. Trong đó, lấy trung tâm hành chính - chính trị huyện làm trọng tâm để phát triển ra xung quanh và tuyến Quốc lộ 21 là trục giao thông chính để phát triển đô thị; chú trọng phát triển khu vực đô thị mở rộng, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với không gian văn hóa nông thôn, bố trí cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật liên kết chặt chẽ không gian sống và các khu vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như mộc, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… Hạ tầng xã hội đã tương đối phát triển với các tiêu chí của đô thị loại V, trong đó, các công trình tiêu biểu đều được xây dựng kiên cố và hầu hết xây dựng hướng ra Quốc lộ 21. Hệ thống giao thông trục chính đã được xây dựng tương đối đồng bộ với hệ thống vỉa hè, chiếu sáng công cộng, cây xanh hai bên tuyến cùng với hệ thống cấp/thoát nước. Giao thông trong trung tâm thị trấn tổ chức theo mạng lưới ô cờ, tương đối phát triển, thuận lợi nằm trên tuyến Quốc lộ 21 tạo điều kiện cho thị trấn phát triển kinh tế đa dạng với các ngành nghề dịch vụ, trung tâm cung cấp các sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng lớn cho các cơ sở nhỏ trong toàn huyện và các vùng lân cận. Nhờ đó, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 70,3%, chủ yếu làm các ngành nghề dịch vụ hỗn hợp...

Nằm cuối Quốc lộ 21, ven biển phía Nam huyện Hải Hậu, sát cửa sông Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, bảo vệ bờ biển và giữ vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, đầu mối giao thông, giao lưu của khu vực phía Nam tỉnh. Thị trấn đã chủ động phát triển đô thị theo tuyến tính kết hợp hướng tâm, tập trung dọc theo các tuyến giao thông đối ngoại và tại các khu trung tâm. Hệ thống hạ tầng xã hội với các công trình hành chính, trụ sở cơ quan; trạm y tế, trường THPT, cơ sở khách sạn, nhà nghỉ các khu dịch vụ dọc theo bãi biển Thịnh Long... theo hướng tiếp cận trên trục đường giao thông chính. Thị trấn Thịnh Long đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và bước đầu phát triển kinh tế có hiệu quả trên cơ sở khai thác sức ảnh hưởng của đô thị hóa. Trong đó, đã tận dụng đặc trưng thiên nhiên, khai thác bãi tắm biển nằm dọc phía Nam và khu vực phía Tây là sông Ninh Cơ với cảnh quan, môi trường trong lành để phục vụ khách du lịch trong cũng như ngoài tỉnh. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, chủ yếu là lao động dịch vụ hỗn hợp cho đô thị, du lịch với đa dạng các ngành nghề như nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng... 

Đáng kể nhất trong quá trình phát triển đô thị hóa của tỉnh thời gian qua là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã được đặc biệt quan tâm vào giai đoạn 2016-2020 bằng các nguồn ngân sách và ngoài ngân sách, nhất là nguồn vốn huy động từ người dân. Nhờ đó, các đô thị của tỉnh đã và đang phát triển tốt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Một số đô thị làm tốt công tác mở rộng không gian đô thị, chất lượng kiến trúc, cảnh quan được nâng lên, không gian tự nhiên được bảo vệ. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình kiến trúc mang sắc thái riêng, không còn nhà tạm, nhà kém kiên cố; hạ tầng dịch vụ đô thị ngày càng được hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. 

Với sức hút của mình, trên trục đô thị dọc các Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 đã hình thành và xây dựng một số cụm, KCN tập trung gần các đô thị lớn như KCN Bảo Minh, KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Hồng Tiến…; đồng thời thu hút các nguồn vốn nước ngoài vào khu vực công nghiệp và dịch vụ. Năm 2020, thu hút vốn đầu tư xã hội lên tới trên 39,3 nghìn tỷ đồng. Hệ thống đô thị đã đóng góp lớn cho sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tỷ trọng đáng kể (chiếm hơn 50%); tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị thường nhanh hơn khu vực nông thôn khoảng 1,92 lần. Nguồn thu của các đô thị, đặc biệt là của thành phố Nam Định, chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước (trên 20%), giữ vai trò quan trọng và là động lực chủ yếu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ mô hình nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ (tốc độ dịch chuyển giai đoạn 2010-2020 là khoảng 3,6%/năm). Bên cạnh đó, hệ thống đô thị của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức sống, dân trí và văn minh xã hội như: Tỷ lệ người nghèo giảm 0,8%; tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 chỉ còn 17,4%o; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2020 giảm còn 10,5%; tuổi thọ trung bình dân số tăng từ 73 (năm 2010) đến 74,5 tuổi (năm 2020).

Có thể nói, quá trình phát triển đô thị hóa tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã tạo sức ảnh hưởng, lan tỏa quan trọng trong thu hút các nguồn lực và cơ hội phát triển trên các lĩnh vực về cho tỉnh và các địa phương.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com