Siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) không chỉ góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước mà còn mang ý nghĩa giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Thời gian qua, hoạt động quản lý chất lượng SPHH được các sở, ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai, góp phần quan trọng ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng quyền lợi và uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Lực lượng Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn niêm phong phân bón hóa học lưu thông trên thị trường để kiểm định chất lượng. |
Các ngành chức năng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho SPHH. Trong đó, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 28 văn bản quản lý về chất lượng SPHH thuộc các lĩnh vực được phân công, tập trung chủ yếu vào SPHH thiết yếu có ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động. Tổ chức 80 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật cho gần 7.000 người; in và phát hành trên 31 nghìn tờ rơi, 120 sổ tay, treo 200 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về chất lượng SPHH. Nhiều phong trào, hoạt động nâng cao chất lượng SPHH trong doanh nghiệp được phát động, tổ chức như: Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ quản lý nhằm cải tiến năng suất chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; chứng nhận và công bố hợp chuẩn cho chất lượng SPHH; bảo hộ sở hữu trí tuệ; đổi mới thiết bị, công nghệ… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Cùng với công tác tuyên truyền, các sở, ngành đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực thi đảm bảo chất lượng SPHH của các doanh nghiệp, cơ sở. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều hành vi gian lận về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh. Trong năm 2022, các sở quản lý chuyên ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 1.539 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; phát hiện và xử lý vi phạm 79 lượt cơ sở (chiếm 5,13% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định của Nhà nước về đo lường và chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo và phạt tiền tổng số 414 triệu đồng; tạm giữ, tiêu hủy nhiều loại SPHH không đảm bảo chất lượng. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 14 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 200 lượt cơ sở về việc chấp hành Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng SPHH, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đo lường và lấy ngẫu nhiên 29 mẫu hàng hóa lưu thông trên thị trường để khảo sát chất lượng. Qua đó phát hiện 2 mẫu hàng hóa vi phạm về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hoá và chưa lưu giữ hồ sơ chất lượng đầy đủ theo quy định tại nơi bán hàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 118 đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 872 cơ sở, phát hiện 13 cơ sở có vi phạm chất lượng SPHH; xử phạt hành chính với số tiền gần 80 triệu đồng. Đồng thời tổ chức lấy 1.267 mẫu khảo sát về chất lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản và an toàn vật tư nông nghiệp. Lĩnh vực quản lý của ngành Y tế đã thực hiện thanh, kiểm tra tập trung vào các chuyên đề: Việc thực hiện quy định của Nhà nước về ATTP bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, trường học; các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá; việc hành nghề y, dược tư nhân; việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều hành vi gian lận về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng ra khỏi thị trường đảm bảo quyền, lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật đảm bảo chất lượng SPHH và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tiễn quản lý chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập như: Tình hình vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhiều SPHH nhập lậu không đảm bảo chất lượng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng chưa được kiểm soát, ngăn chặn triệt để… Năng lực các phòng thử nghiệm trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng SPHH và thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa bao phủ hết đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hoá nên khó khăn trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hoá lưu thông và xử lý vi phạm. Nhận thức của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về quản lý chất lượng SPHH, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy còn thấp. Việc kiểm soát được chất lượng SPHH kinh doanh, phân phối qua kênh thương mại điện tử, mạng internet còn nhiều hạn chế.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng SPHH, các cơ quan chức năng cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên ngành để phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa cơ quan chuyên môn trong từng lĩnh vực với lực lượng chuyên trách như Quản lý thị trường, Hải quan, Công an… Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng SPHH và thông tin cảnh báo đối với hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn, độc hại; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tiêu dùng được biết và phòng ngừa./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin