Yên Nhân xây dựng sản phẩm đặc trưng

08:27, 06/02/2023

Là vùng đất cổ nằm kề bên dòng sông Đáy, xã Yên Nhân (Ý Yên) có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời, đất đai màu mỡ và giao thông thủy, bộ thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế. Phát huy thế mạnh địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo huy động mọi nguồn lực, khuyến khích người dân sáng tạo, xây dựng sản phẩm đặc trưng ở cả lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch. 

Nông dân xã Yên Nhân chăm sóc lạc xuân.
Nông dân xã Yên Nhân chăm sóc lạc xuân.

Được thiên nhiên ưu đãi, từ xa xưa, người dân xã Yên Nhân đã thuận lợi mưu sinh bằng các việc cấy lúa, trồng màu, chăn nuôi lợn, gà, khai thác cá, tôm trên dòng sông Đáy. Vùng đất này còn là nơi hội tụ, tích lũy và bảo tồn được nhiều di sản văn hoá truyền thống có giá trị lớn với 5 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh) gắn với các lễ hội truyền thống hàng năm là Đình - Đền - Chùa Phạm Xá; Đền Độc Bộ; Đình An Lại Hạ; Đình - Đền - Chùa Dương Phạm; Từ đường họ Nguyễn Phúc cùng rất nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh và những cụm công trình kiến trúc đặc trưng nông thôn Bắc Bộ như cây đa, bến nước, sân đình... 

Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, Đảng ủy, UBND xã định hướng phát triển mũi nhọn kinh tế là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khai thác lợi thế vùng đất bãi ven sông, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó, xã quy hoạch lại quỹ đất sản xuất và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo vùng. Trong đó quy hoạch chuyển đổi hơn 20ha đất xa khu dân cư thành khu phát triển chăn nuôi tập trung. Đồng thời khuyến khích nhân dân đầu tư chuyển đổi 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh rau màu hàng hóa với nhóm cây chủ lực là khoai tây, lạc, ngô, rau màu hè thu. Khu vực ven sông Đáy, xã tiếp tục tạo điều kiện cấp đất cho người dân làng chài Phong Doanh lên bờ định cư phát triển ngành nghề mới như kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tổng hợp. Đến nay, gần 100 hộ dân làng chài Phong Doanh đã định cư trên bờ và tổ chức kinh doanh vận tải thủy, bến bãi vật liệu xây dựng. Đối với các hộ dân thuộc khu vực nội đồng, xã khuyến khích các hộ phát triển ngành nghề mới như may gia công, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi thủy sản có ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt xã tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và chú trọng chế biến nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, cơ sở chế biến dầu lạc của gia đình bác Trần Văn Nông, xóm 2, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bác Nông cho biết: tại địa phương hàng năm có nguồn nguyên liệu lạc, vừng, đậu nành dồi dào nên bác đã tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trước đây bác Nông chủ yếu bán nguyên liệu thô nhưng qua quá trình kinh doanh, tìm hiểu thị trường, nắm bắt xu hướng sử dụng các loại dầu thực vật tự nhiên, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, bác đã mạng dạn đầu tư thiết bị ép dầu để chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, nhờ đó tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm nông nghiệp của bà con. Hiện tại 2 sản phẩm chính là dầu lạc và dầu vừng của cơ sở đã hoàn thiện khâu chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh tổ chức. Với cách làm này, gần 500ha đất nông nghiệp của xã được khai thác triệt để, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không có đất ruộng bỏ hoang. Xã đã hình thành được nhiều sản phẩm đặc trưng như khoai tây giống, khoai tây thương phẩm, các loại cá truyền thống, thịt gia súc, gia cầm và dầu hạt các loại… được các công ty chế biến rau củ quả và thương nhân tìm đến giao thương. Vùng quê thuần nông xưa ngày càng thêm sôi động. Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã đạt trên 100 tỷ đồng; bình quân thu nhập của người dân được nâng lên gần 70 triệu đồng/người. 

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng uỷ, UBND xã Yên Nhân đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; trong đó tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, củng cố và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, phát triển các sản phẩm điểm nhấn để thu hút du khách du lịch. Đến nay, 100% thôn, xóm của xã đã xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới; có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, hội họp của nhân dân. Chủ động phối hợp lập hồ sơ khoa học, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và vận động người dân chung tay giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của các di tích cũng như không gian văn hoá làng quê truyền thống. Đồng thời khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, kết nối các điểm di tích vào hành trình du lịch, khám phá, trải nghiệm của du khách. Tiêu biểu có thể kể đến không gian văn hoá làng truyền thống với di tích Đền Độc Bộ nổi tiếng là một trong số ít lễ hội mùa thu lớn của vùng Nam đồng bằng sông Hồng với nghi thức tế “Tam kỳ giang” diễn ra vào giờ Ngọ, ngày 13-8 (âm lịch) tại ngã ba sông - nơi giao nhau của hai dòng sông Đáy và sông Đào; di tích Đình - Đền - Chùa Phạm Xá và câu chuyện về cây Dã Hương gần 600 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh Cây di sản văn hóa Việt Nam cùng hệ thống rất nhiều cây đại thụ trong xã còn lưu giữ được như những nhân chứng lịch sử. Trong không gian thuần Việt ấy, du khách còn cảm nhận được tình cảm chân chất thật thà, nồng hậu của mỗi người dân nơi đây và thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của vùng ngã ba sông Độc Bộ như cá tía lân, cá bò, cá ngạnh, cá lành canh, tôm càng và cua ra…

Xây dựng và phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng đang là hướng đi đúng của xã Yên Nhân phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương ở cả lĩnh vực sản xuất và du lịch, xã Yên Nhân cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn trong việc giúp định hướng tiếp cận thị trường; xây dựng và tổ chức các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp gắn kết với các điểm du lịch văn hóa tâm linh đã có tên tuổi, thương hiệu quanh vùng của các huyện Vụ Bản, Ý Yên./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com