Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã cùng nỗ lực của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) đã không ngừng được mở rộng quy mô nguồn vốn và dư nợ tín dụng, trở thành điểm tựa giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể thoát nghèo với sinh kế bền vững, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn nhân văn của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình TDCS ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Lã Thị Thanh Huyền ở thôn Khả Lực, xã Mỹ Thịnh đã được sử dụng nước sạch, đảm bảo sức khỏe của cả gia đình. |
Căn cứ kế hoạch của UBND huyện, các văn bản hướng dẫn và các chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn mới năm 2022 của Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc, ngay từ đầu năm, UBND xã Mỹ Thịnh đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường áp dụng các biện pháp thiết thực để nhân dân thuận tiện tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững; thực hiện nghiêm túc việc giao ban các tổ tiết kiệm và vay vốn hàng tháng với Ngân hàng CSXH; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại các hộ vay vốn, đối chiếu tiền gửi, tiền vay, đảm bảo 100% người vay vốn sử dụng đúng mục đích.
Cùng với đó, UBND xã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NĐ-CP về việc rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn năm 2022-2023, tập trung tuyên truyền tới người dân thông qua Zalo trên trang thông tin chính thức của Ngân hàng CSXH để người dân nắm được những chính sách của Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay giải quyết việc làm tối đa 100 triệu đồng; cho vay chương trình nhà ở xã hội tối đa 500 triệu đồng/hộ, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến tối đa 10 triệu đồng/người và chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2% của Chính phủ.
Chị Nguyễn Thị Hợp, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Xác định công tác vay vốn là yếu tố quan trọng để Hội thực hiện chức năng tạo điều kiện giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, là nền tảng để hoàn thành các chương trình mục tiêu công tác Hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hàng năm, Hội Phụ nữ xã đã chủ động, tập trung triển khai việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn, quán triệt hội viên thực hiện trách nhiệm vay, trả đúng quy định. Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tập huấn đầy đủ cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động nhận uỷ thác, tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn đầu tư, bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng vốn TDCS trong quá trình thực hiện. Duy trì sinh hoạt tổ vay định kỳ hàng tháng vào các ngày 4, 5, 6 và đột xuất, đôn đốc thu lãi, thu gốc vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Ngoài ra, Ban quản lí điều hành vốn vay đã phối hợp với các tổ kiểm tra, đối chiếu dư nợ, mục đích sử dụng vốn vay, kiểm tra việc ghi chép sổ sách, lưu trữ hồ sơ theo quy định tới 100% các tổ trưởng. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả và có khả năng trả nợ; đa số các hộ nộp lãi, đóng tiết kiệm đầy đủ đúng kì hạn. Đối với các hộ đến hạn và nợ phân kì, các tổ trưởng đã tích cực đôn đốc, nhắc nhở, do vậy các hộ vay chấp hành trả nợ tốt. Các tổ trưởng chấp hành không thu gốc của hộ vay thực hiện theo đúng quy định.
Tính đến ngày 7-1-2023, tổng dư nợ TDCS trên địa bàn toàn xã đạt 11 tỷ 627 triệu đồng với 298 hộ vay. Trong đó, Hội Phụ nữ xã quản lý 10 tổ tiết kiệm và vay vốn có tổng dư nợ là 10 tỷ 838 triệu đồng với 280 hộ vay, Hội Cựu Chiến binh xã quản lý 1 tổ tiết kiệm và vay vốn có tổng dư nợ là 789 triệu đồng với 18 hộ vay. Vốn TDCS được tập trung ưu tiên vào các chương trình phát triển kinh tế hộ, gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống như cho vay giải quyết việc làm có dư nợ là 5,344 tỷ đồng với 95 hộ vay; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ là 4 tỷ 660 triệu đồng… 100% hộ vay đều thực hiện gửi tiền tiết kiệm với số tiền tối thiểu từ 100 nghìn đồng/tháng; toàn xã không có nợ quá hạn. Từ nguồn vốn TDCS, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã đầu tư phát triển kinh tế như chăn nuôi bò, đào ao nuôi thả cá truyền thống, phát triển xưởng may mặc góp phần tăng thêm thu nhập rõ rệt, nâng cao đời sống kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong căn nhà Đại đoàn kết được xây từ tiền hỗ trợ của Ngân hàng CSXH, chị Triệu Thị Mão ở thôn Khả Lực vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Thu nhập của cả gia đình đều trông cậy vào lương công nhân của tôi nên kinh tế rất khó khăn. Rất may năm ngoái, gia đình chúng tôi đã được Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở đón Tết. Đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc tiếp tục tạo điều kiện cho tôi vay thêm 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, Tết năm nay gia đình tôi đã có thêm thu nhập để sắm Tết đủ đầy”. Tết năm nay đối với chị Lã Thị Thanh Huyền tại thôn Khả Lực cũng vui hơn, nhàn hơn bởi nguồn nước sạch đã đến với gia đình chị. Chị Huyền chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, còn ăn uống đều phải dùng nước mưa; trẻ con trong nhà thường hay bị bệnh về mắt, chân, tay, miệng; đồ dùng sinh hoạt trong nhà cũng nhanh hỏng do bị nhiễm asen, vôi hóa. Vì thế, đầu năm 2022, gia đình tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để xây dựng công trình vệ sinh sạch sẽ, lắp đặt đường ống đấu nối hệ thống cấp nước sạch của công ty nước. Sử dụng nước sạch, sức khỏe mọi người trong gia đình được cải thiện, đồ ăn uống cũng an toàn hơn”.
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thịnh khẳng định: “Vốn TDCS đã thực sự là đòn bẩy tài chính quan trọng, trở thành chỗ dựa giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã giảm nghèo, có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện tốt hơn chất lượng đời sống hàng ngày, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Từ một xã thuần nông, kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến năm 2022, toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, thu nhập bình quân trên đầu người của xã đạt 72 triệu đồng/năm”. Thời gian tới, xã Mỹ Thịnh sẽ tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tập trung phát huy vai trò, vị trí của TDCS trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động TDCS xã hội, hiệu quả sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích, không để xảy ra nợ quá hạn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin