Toàn tỉnh hiện có trên 16 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, dẫn tới nhu cầu sử dụng thuốc, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong các ao, đầm nuôi thủy sản là rất lớn. Nghề nuôi thủy sản mang tính rủi ro cao do sự biến động về giá, tác động từ yếu tố môi trường, trong khi giá vật tư nông nghiệp nói chung và vật tư phục vụ nuôi thủy sản nói riêng luôn ở mức cao, sản phẩm không rõ nguồn gốc còn lưu thông khá nhiều trên thị trường… Trước thực trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cung ứng cho thị trường.
Hộ ông Trần Văn Quý, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) thu hoạch cua biển. |
Mặc dù ngành thuỷ sản phát triển rất mạnh mẽ nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, các loại thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, các trang thiết bị máy móc...; chỉ có một cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn thủy sản (muối tinh sấy) và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất theo quy định. Việc cung ứng các loại vật tư phục vụ trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu qua 57 cơ sở mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường, các loại thuốc và hóa chất, chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi và thực hiện các yêu cầu quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, Chi cục Thuỷ sản tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương nắm địa bàn, thông tin về chất lượng sản phẩm, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện cơ sở, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định. Trong năm 2022, Chi cục Thuỷ sản tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản; Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Sở KH và CN); Phòng NN và PTNT các huyện tiến hành kiểm tra chất lượng thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường lưu thông trên thị trường đối với 26 cơ sở. Kết quả, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 1 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, 2 cơ sở có hành vi kinh doanh hàng hoá đã quá hạn sử dụng. Chi cục đã ban hành 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 3 chủ cơ sở vi phạm với số tiền hơn 10 triệu đồng. Đến nay, cả 3 cơ sở đã thi hành các quyết định xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời đoàn kiểm tra tiến hành lấy 15 mẫu hàng hóa của 13 cơ sở được kiểm tra để thử nghiệm một số chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn của sản phẩm. Kết quả các mẫu thử nghiệm đều có kết quả phù hợp với chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn đã được công bố trên nhãn sản phẩm, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn công bố áp dụng của cơ sở sản xuất.
Hàng năm, đơn vị chuyên môn đã tham mưu cho ngành tổ chức kiểm tra cấp mới và gia hạn cho các cơ sở mua bán thuốc thú y trong lĩnh vực thủy sản. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đều được hướng dẫn cụ thể về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, hồ sơ sổ sách và thực hiện quy định chuyên môn trong quá trình kinh doanh thuốc. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Chi cục tập trung hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về Luật Thủy sản năm 2021, Thông tư 26 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn quy định việc quản lý về con giống, thức ăn và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản để các cơ sở hiểu rõ hơn các quy định, cũng như chấp hành tốt các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cửa hàng, lấy mẫu kiểm tra chất lượng các sản phẩm bày bán, xử lý nghiêm các sản phẩm sai quy định hoặc chưa được cấp phép lưu hành”. Ngay sau khi tiếp nhận các quy định của Nhà nước về kinh doanh vật tư trong nuôi trồng thủy sản, nhiều cơ sở, đại lý kinh doanh cơ bản chấp hành tốt các quy định được ban hành, hàng hóa được trưng bày đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Trần Hữu Lợi, chủ một cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) cho biết: “Tôi kinh doanh có chọn lọc, nhập hàng tại các công ty lớn, có uy tín. Hàng hóa trước khi nhập phải kiểm tra xem có được lưu hành trong danh mục cho phép hay không, đảm bảo sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Thông tin khi nhập hàng hay bán sản phẩm đều có lưu lại trên máy tính”. Ông Hoàng Đức Thiện, chủ đại lý thức ăn, con giống thủy sản xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Đại lý của tôi đã được cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định. Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người nuôi lên hàng đầu nên những sản phẩm thức ăn thủy sản tôi kinh doanh đều được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo về xuất xứ cũng như chất lượng. Tôi luôn mong muốn nghề nuôi thủy sản của địa phương ngày càng phát triển bền vững”.
Thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản là những loại vật tư quan trọng quyết định hiệu quả của cả vụ nuôi. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như giữ uy tín trong kinh doanh, bên cạnh các giải pháp được cơ quan chuyên môn triển khai, các cơ sở, đại lý kinh doanh vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản cần nắm rõ các quy định, văn bản pháp luật có liên quan để hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh ta theo hướng an toàn, bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin