Phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn

08:26, 09/02/2023

Thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và lợi ích của người dân cũng như đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh.

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).
Sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2022, sản lượng một số nông sản chủ lực của tỉnh: gần 895 nghìn tấn thóc, 576 nghìn tấn gạo xay xát, hơn 187 tấn thủy sản (nuôi và khai thác), 261 nghìn tấn rau các loại, 145,8 nghìn tấn thịt lợn, trên 48 nghìn tấn thịt khác (gia cầm, trâu, bò…), 450 triệu quả trứng gia cầm, 12 nghìn lít nước mắm, 14 tấn mật ong... Sản lượng trên đảm bảo đủ cho tiêu dùng, an ninh lương thực, thực phẩm cho tỉnh với lượng tiêu thụ nội tỉnh chiếm 40%, còn lại cung cấp ra các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; sản xuất phân bón hữu cơ, canh tác rau màu theo công nghệ Nhật Bản; sản xuất lúa, màu theo tiêu chuẩn VietGAP... Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 453 cánh đồng lớn sản xuất lúa, cây màu, cây dược liệu với tổng diện tích trên 19 nghìn ha; trong đó có 3.316ha được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với các quy trình VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học… ngày càng được nhân rộng. Chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng nuôi tập trung, chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn chặt với nhu cầu của thị trường. Hiện “Vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm” 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã được chứng nhận ASC.

Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, công tác hỗ trợ hiệp hội và các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong tỉnh được đẩy mạnh thông qua các hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Trong năm 2022, Sở NN và PTNT đã tổ chức tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn giúp 35 cơ sở, doanh nghiệp với trên 300 sản phẩm tham gia bày bán giới thiệu sản phẩm an toàn và sản phẩm OCOP; hỗ trợ hơn 130 lượt cơ sở, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham gia 12 đợt hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh với hơn 570 lượt sản phẩm; tổ chức 3 đoàn kết nối thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam… 

Ngoài ra, Sở NN và PTNT tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp củng cố, phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ thực phẩm nông nghiệp an toàn, giúp cho các sản phẩm sạch của tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng bằng các kênh chính thống, tăng sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 cửa hàng tiện ích cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, tăng 40 cửa hàng so với năm 2021. Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, sử dụng tem QR-code chống hàng nhái, hàng giả. Hiện đã hỗ trợ đưa hơn 200 sản phẩm của 60 cơ sở lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; hướng dẫn hỗ trợ cho 98 cơ sở xây dựng bản tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 210 sản phẩm các loại rau, gạo, nông sản chế biến, sản phẩm thủy sản, thịt, sản phẩm từ thịt, muối... 

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến xúc tiến thương mại, công tác kết nối, xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn đã đạt được kết quả tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm nông nghiệp đến khâu tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quy mô liên huyện. Nhiều sản phẩm có giá trị, thương hiệu, được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận như: gạo Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, muối sạch Nam Định... Đặc biệt có doanh nghiệp nhanh nhạy bắt kịp xu hướng tận dụng được lợi thế của địa phương và cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế để xuất khẩu sản phẩm. Năm 2022, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 20 tấn muối sạch; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 2.700 tấn ngao sạch; Công ty TNHH Công Danh xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia 515 tấn thịt lợn sữa, lợn choai… Qua đó khẳng định việc phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn là một trong những hướng đi quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng các chuỗi mới; đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phát triển đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng trong cả nước. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, vận động doanh nghiệp duy trì áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP; HACCP, ISO...; ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng mã tem QR-code để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống hàng giả; ứng dụng khoa học công nghệ số, chuyển đổi số vào sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh với thị trường tỉnh ngoài; tư vấn, hỗ trợ chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và sản phẩm OCOP để hợp tác liên kết quảng bá giới thiệu sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng các tỉnh khác…

Nông nghiệp Nam Định đang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình liên kết, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, trong những năm qua sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng ổn định từ 2,5-3,2%/năm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tác động xấu đến nền kinh tế, nông nghiệp đã vững vàng với vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế địa phương đứng vững, tạo lực phục hồi sau đại dịch./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



Cửa hàng Hải Sản Trung Nam chất lượng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com