Nhằm khắc phục những hạn chế, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW của BCH Trung ương HND Việt Nam về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025. Các cấp Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, góp phần tăng cường liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.
Thành viên Tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh xã Nam Phong (thành phố Nam Định) chăm sóc hoa lay-ơn. |
Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền về tầm quan trọng của kinh tế tập thể, giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống; chú trọng tư vấn, hướng dẫn thành lập mới và nhân rộng các mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Năm 2019, HND tỉnh ban hành Đề án số 01-ĐA/HNDT, ngày 19-3-2019 về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023”, đồng thời chỉ đạo quyết liệt xây dựng dự án cho vay theo mô hình sản xuất liên kết (tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp). Kết quả, từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ 5.653 lượt hộ vay với tổng số vốn 113 tỷ 390 triệu đồng thông qua 1.442 dự án, trong đó có 63 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, 1 HTX đã được vay vốn. Một số mô hình kinh tế tập thể nhờ được vay vốn Quỹ HTND đã đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long, chi hội nghề nghiệp nuôi thuỷ sản tại Giao Hải (Giao Thủy); tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại Rạng Đông, tổ hợp tác trồng quất, đào cảnh tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi thuỷ sản tại Mỹ Hà (Mỹ Lộc), tổ hợp tác trồng cây đinh lăng Hải An (Hải Hậu)… Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh thường xuyên phối hợp xây dựng các chương trình, dự án, huy động tạo các nguồn lực tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như: Phối hợp với các trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, các tổ chức, nhà khoa học, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Tiến Nông… tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 50 nghìn hội viên nông dân. Hàng năm, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo trên 30 lớp sơ cấp nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn. Các hoạt động đào tạo nghề và tập huấn khoa học kỹ thuật ưu tiên cho các mô hình tổ hợp tác, HTX, chi tổ hội nghề nghiệp có nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Ngoài ra, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các chương trình “Nhịp cầu nhà nông”; tổ chức hội chợ, đưa sản phẩm của hội viên đi trưng bày giới thiệu; xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart... Đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã xây dựng được 101 mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp với trên 1.000 thành viên. Năm 2022, toàn tỉnh còn thành lập mới 28 tổ hợp tác, 3 HTX, nâng tổng số lên 177 mô hình tổ hợp tác, HTX với trên 3.000 thành viên tham gia.
Tại huyện Hải Hậu, để liên kết các hộ sản xuất cá thể tiến tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững, các cấp HND trong huyện đã chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể của địa phương. Tiêu biểu như tháng 2-2021, HND xã Hải Thanh đã thành lập chi HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm (vịt thương phẩm) gồm 16 thành viên với tổng diện tích chăn nuôi trên 27ha. Ngay sau khi thành lập, HND xã đã hướng dẫn chi hội xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các lĩnh vực nhằm hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển. Chi hội hoạt động dựa trên nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng lĩnh vực ngành nghề, cùng quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Qua 2 năm hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra thấp nhưng các thành viên đã nỗ lực vượt khó, duy trì và phát triển đàn gia cầm có hiệu quả. Định kỳ hàng tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, cùng tìm nguồn thức ăn rẻ, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), HND xã cùng chi hội lập hồ sơ đề xuất công nhận sản phẩm trứng vịt là sản phẩm OCOP lấy thương hiệu “Vịt quê”, được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chi hội còn xây dựng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn cho các thành viên chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học nên chất lượng trứng, vịt thương phẩm ngày càng đảm bảo, được đông đảo khách hàng tin dùng và được bán rộng rãi trong các siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch... Tại huyện Nghĩa Hưng, các mô hình kinh tế tập thể đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Toàn huyện đến nay có 4 chi HND nghề nghiệp với 71 thành viên, 8 tổ HND nghề nghiệp với 71 thành viên; 23 tổ hợp tác với 375 thành viên tham gia với các ngành nghề đa dạng như trồng nấm, chăn nuôi, nuôi cá bống bớp, cá mú, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng hoa cây cảnh… Điển hình là tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh của HND thị trấn Liễu Đề sau 3 năm thành lập đã có số vốn đóng góp quỹ hoạt động 1,1 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ các thành viên vay vốn để mở rộng sản xuất. Mô hình “2 trong 1” (Tổ hợp tác - Chi HND nghề nghiệp nuôi cá mú) của HND xã Phúc Thắng với 23 thành viên đã phát huy thế mạnh của địa phương về nuôi trồng thủy, hải sản… Tại thị trấn Rạng Đông, từ tháng 10-2015, HND thị trấn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp với 17 thành viên tham gia nhằm liên kết nông dân cùng nhau sản xuất, mang lại khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, đồng đều; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Với gần 7km bờ biển và vùng bãi triều rộng lớn, có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của cá bống bớp, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp đã liên kết chặt chẽ trong các khâu của quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ chỗ không chủ động được nguồn con giống, người dân phải tự khai thác, đánh bắt ngoài biển hoặc thu mua lại của những hộ dân ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu... về nuôi vỗ thành thương phẩm, đến nay đã có 2 thành viên Tổ hợp tác đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất giống cá bống bớp, giúp các hộ nuôi giảm chi phí sản xuất.
Thực tế cho thấy, chỉ có tăng cường liên kết, hình thành các mô hình kinh tế tập thể mới tạo nên những sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ hội viên thành lập mới các mô hình HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất, phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin