Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp tục “đơm hoa, kết trái ngọt” giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Hải Hậu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đón năm mới hạnh phúc đủ đầy.
Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu cho vay vốn, chị Nguyễn Thị Khánh Hồng ở xóm Hữu Nghị, xã Hải Chính đã đầu tư nuôi ốc hương thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Tính đến hết ngày 31-12-2022, tổng nguồn vốn được giao của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hải Hậu đạt 627 tỷ 314 triệu đồng (so với năm 2021 tăng 63 tỷ 128 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 11,2%). Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 627 tỷ 65 triệu đồng, tăng so với đầu năm 62 tỷ 959 triệu đồng (tăng 11,2%,) hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng được giao. Trong năm 2022, Phòng giao dịch đã giải ngân cho 5.051 lượt khách hàng vay vốn mới và 281 lượt hộ vay vốn học sinh, sinh viên kỳ tiếp theo, doanh số cho vay đạt 193 tỷ 50 triệu đồng, doanh số thu nợ 130 tỷ 112 triệu đồng. Tổng số hộ còn dư nợ là 18.924 hộ. Các chương trình có dư nợ tăng trưởng lớn so với năm 2022 là chương trình cho vay hộ cận nghèo tăng 23 tỷ 874 triệu đồng, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 21 tỷ 818 triệu đồng, chương trình cho vay giải quyết việc làm tăng 18 tỷ 246 triệu đồng, cho vay hộ nghèo tăng 15 tỷ 643 triệu đồng. Nhiều xã có dư nợ cao như xã Hải Minh (35 tỷ 869 triệu đồng), Hải Quang (29 tỷ 936 triệu đồng), Hải Châu (25 tỷ 945 triệu đồng)….
Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh và tích cực đôn đốc thu hồi nợ quá hạn. Nợ quá hạn đến hết ngày 31-12-2022 là 670 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng dư nợ. Công tác cho vay qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác hiệu quả; chất lượng tín dụng được đảm bảo, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến hết ngày 31-12-2022, các hội, đoàn thể quản lý 452 tổ tiết kiệm và vay vốn với 15.698 hộ vay, dư nợ đạt 626 tỷ 324 triệu đồng, tăng 63 tỷ 183 triệu đồng so với năm 2021, chiếm 99,9% tổng dư nợ của Phòng giao dịch. Bình quân một tổ quản lý 35 hộ, dư nợ bình quân đạt 1 tỷ 386 triệu đồng, tăng 154 triệu đồng/tổ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 239 tỷ 517 triệu đồng (chiếm 38,2%), tăng 20 tỷ 392 triệu đồng; Hội Phụ nữ đạt 259 tỷ 535 triệu đồng (chiếm 41,44%), tăng 33 tỷ 356 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh đạt 88 tỷ 700 triệu đồng (chiếm 14,2%), tăng 6 tỷ 732 triệu đồng; Đoàn Thanh niên đạt 38 tỷ 197 triệu đồng (chiếm 6,16%), tăng 2 tỷ 703 triệu đồng. Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu hàng tháng duy trì giao dịch tại 34 điểm đặt tại UBND các xã, thị trấn đảm bảo an toàn thuận lợi cho khách hàng, người dân đến giao dịch.
Ngày cuối năm, tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính, không khí thu hoạch ốc hương vẫn sôi nổi bất chấp thời tiết cực kỳ giá lạnh. Chị Nguyễn Thị Khánh Hồng, hộ mới thoát nghèo của xã Hải Chính đồng thời cũng là một thành viên của hợp tác xã đang tất bật thu hoạch ốc hương để xuất bán, vui vẻ cho biết: “Hiện nay, ốc hương rất được thị trường đón nhận, tiêu thụ nhanh, giá bán lại ổn định nên Tết năm nay gia đình tôi ấm no”. Hiện tại, giá ốc hương thương phẩm loại 80 con/kg từ 250 nghìn đồng, đặc biệt dịp giáp Tết, giá ốc hương có xu hướng tăng cao hơn, có thể lên đến 350 nghìn đồng/kg. Với giá hiện tại, gia đình chị Hồng đã cầm chắc thu về 100 triệu đồng trong vụ thu hoạch ốc hương cuối năm. Gia đình chị đang có 5.000m2 nuôi ốc hương, bình quân mỗi năm thu về hơn 1 tấn ốc hương. Chị Hồng cho biết: “Gia đình chúng tôi bắt đầu chuyển đổi từ ruộng muối kém hiệu quả sang nuôi ốc hương từ năm 2019. Năm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm lại thiếu vốn nên ốc hương bị chết nhiều. 10 vạn con ốc hương cuối năm chỉ thu về được hơn 3.000 con. Được Hội Phụ nữ xã động viên, gia đình tôi lại vay thêm 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu để đầu tư phủ bạt ao, mua giống, cải tạo hệ thống sơ lắng lọc đảm bảo môi trường nước ao nuôi nên nuôi ốc hương an toàn, sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh hơn. Các năm sau, gia đình đều có lãi từ nuôi ốc hương”. Còn đối với gia đình chị Lương Thị Mai ở xóm Bắc Sơn, xã Hải Chính, vốn tín dụng chính sách lại là đòn bẩy quan trọng giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững. Chị Mai cho biết: “Trước đây, gia đình tôi đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, dịch bệnh tôm nhiều, thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định nên gia đình chuyển hướng sang nuôi cá vược, cá mú, cá chim trắng với diện tích hơn 0,2ha. Vốn đầu tư các đối tượng nuôi này lớn nên gia đình tôi rất khó khăn trong thời gian đầu chuyển đổi mô hình sản xuất”. Được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu cho vay 100 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư mua cá mồi tươi, cải tạo ao đảm bảo nuôi cá an toàn, sạch bệnh. Dự kiến vụ Tết năm nay, gia đình chị Mai thu về hơn 7 tấn cá thương phẩm các loại, trừ chi phí, thu nhập gia đình chị cũng có thêm hơn 100 triệu đồng. Chị Đỗ Thị Chiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Hiện, toàn xã Hải Chính có 14 tổ tiết kiệm và vay vốn, vốn tín dụng chính sách được cho vay ủy thác thông qua Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên của xã. Tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn toàn xã tính đến ngày 10-12-2022 là hơn 25 tỷ đồng với 578 hộ còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ gần 20 tỷ đồng, dư nợ cho vay qua Đoàn Thanh niên gần 5 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, nhiều gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của xã đã đầu tư vào các mô hình kinh tế nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá mú, cá vược, ốc hương đạt hiệu quả cao về kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã năm 2022 là 1,44%, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 75 triệu đồng.
Năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn khẩn trương rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn cũng như không đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở để Ngân hàng cân đối nguồn vốn giúp cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ kịp thời, có hiệu quả. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn xã, thị trấn đặc biệt là những xã, thị trấn có chất lượng tín dụng yếu kém. Kiên quyết thu hồi các món nợ quá hạn mới phát sinh và rà soát các món nợ quá hạn lâu ngày để thu hồi một cách triệt để, không để thất thoát vốn Nhà nước; phấn đấu không để nợ quá hạn tăng so với đầu năm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin