Năm 2022, nhờ điều hành xử lý linh hoạt, công tác giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập đoàn Toray Nhật Bản xây dựng nhà máy sản xuất hàng dệt may tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Để đảm bảo giải ngân VĐTC đạt 100% kế hoạch đúng thời gian quy định, tỉnh đã chủ động bám sát, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 13-7-2021 của Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Kế hoạch VĐTC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được lập theo hướng từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư, tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm. UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân VĐTC; đã phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách, theo dõi trực tiếp từng dự án trọng điểm; thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thủ tục đầu tư (đối với các dự án mới) và tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp (đối với các dự án chuyển tiếp) để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các dự án có tổng mức đầu tư lớn tham mưu UBND tỉnh thủ tục dừng thực hiện dự án hoặc điều chỉnh dự án tại điểm dừng kỹ thuật đảm bảo khả năng cân đối vốn kế hoạch trung hạn ngân sách địa phương để hoàn thành dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã chủ động bám sát chỉ đạo của tỉnh, gia tăng các giải pháp thiết thực để đảm bảo tiến độ giải ngân tốt hơn. Nhờ đó, năm 2022 với tổng nguồn VĐTC 5.556 tỷ 238 triệu đồng, tỉnh ta ước giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định trong bối cảnh chung toàn quốc còn nhiều khó khăn về đảm bảo tiến độ giải ngân VĐTC.
Các nguồn VĐTC được phân bổ công khai, minh bạch, theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, đã ưu tiên bố trí 500 tỷ đồng cho dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; 550 tỷ 463 triệu đồng cho 5 dự án chuyển tiếp đã hết thời gian bố trí vốn theo quy định; 824 tỷ 16 triệu đồng cho 5 dự án chuyển tiếp vẫn còn thời gian bố trí vốn theo quy định. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, đã bố trí 1,6 tỷ đồng trả lãi vay và phí của 3 dự án ODA; 196 tỷ 843 triệu đồng để hoàn ứng (đạt 100%) số vốn ứng trước ngân sách tỉnh và phát triển quỹ đất đến hết năm 2021 chưa thu hồi của 10 dự án; 299 tỷ 919 triệu đồng cho 50 công trình đã quyết toán; 37 tỷ 824 triệu đồng cho 15 công trình hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán; 890 tỷ 224 triệu đồng cho 53 công trình chuyển tiếp; chỉ bố trí cho 2 công trình khởi công mới thực sự cần thiết với số vốn 100 tỷ đồng.
Kết quả tích cực của giải ngân VĐTC năm 2022 gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau COVID-19, tình hình thế giới có nhiều biến động. Bên cạnh đó, còn giúp tỉnh tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tăng năng lực vận tải, giúp giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gia tăng sức thu hút đối với các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động...
Tuy nhiên, công tác giải ngân VĐTC năm 2022 không đạt kỳ vọng đề ra. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong công tác giải ngân VĐTC của tỉnh, như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao, định mức thay đổi khiến nhà thầu giảm lãi, thậm chí nguy cơ lỗ nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình và không ít vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách.
Năm 2023, kinh tế cả nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Kế hoạch thực hiện VĐTC năm 2023 của tỉnh với tổng vốn là 8.567 tỷ 393 triệu đồng. Trong đó, Trung ương giao 5.463 tỷ 393 triệu đồng, tỉnh giao tăng 3.104 tỷ đồng. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nhiệm vụ giải ngân VĐTC năm 2023 là rất nặng nề.
Để thực hiện thành công kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2023, tỉnh tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các phương án, hướng dẫn thực hiện các thủ tục, quy định, chính sách pháp luật còn gặp vướng mắc, thiếu đồng bộ như công tác quản lý ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã chủ động phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án từ ngày 12-12-2022; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị gia tăng các giải pháp căn cơ, đẩy nhanh các nhiệm vụ, thủ tục cần thiết để có thể khẩn trương giải ngân VĐTC ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023. Đặc biệt, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng các điều kiện bố trí vốn theo quy định; nâng cao khả năng sẵn sàng triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu cần lưu tâm rà soát, điều chỉnh ngay các bất cập đã phát hiện trong thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm nếu phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm các quy định liên quan đến đầu tư công./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin