Những năm qua, huyện Vụ Bản đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích kém hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng các đề tài, dự án đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Mô hình trồng rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Ngân Hà Agri tại xã Trung Thành (Vụ Bản). |
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có gần 300 hộ nông dân thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng và phương thức sản xuất với tổng diện tích trên 420ha. Nhiều mô hình sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hoạt động có hiệu quả, được triển khai nhân rộng trên địa bàn. Điển hình là các mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa các hộ nông dân, HTX với doanh nghiệp như: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Thành, xã Trung Thành liên kết với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ (Hà Nam); các HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bảo Xuyên (xã Liên Bảo), Tam Thanh (xã Tam Thanh) liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Tân, xã Minh Tân liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định… hiệu quả sản xuất kinh doanh đều tăng 15-20% so với sản xuất đại trà. Các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp I.P.M tại các xã Tam Thanh, Trung Thành; sử dụng máy cấy tại xã Minh Thuận; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay và trình diễn các giống lúa mới… đang được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn huyện. Hay như các dự án trồng sen lấy củ, lấy hạt với quy mô 6ha tại xã Minh Tân; chuyển đổi trồng lúa sang trồng cỏ, ngô sinh khối để nuôi bò tại xã Hiển Khánh với quy mô 8ha; chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất cỏ ngọt quy mô 3ha tại thị trấn Gôi… cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để đảm bảo hiệu quả, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các loại nông sản của địa phương, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, huyện đã triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp Ngân Hà Agri đã đấu thầu 6ha diện tích ruộng khô cằn, thiếu nước, canh tác lúa kém hiệu quả tại xã Trung Thành để thực hiện dự án sản xuất rau công nghệ cao. Công ty đã tiến hành cải tạo đất, quy hoạch, kiến thiết lại đồng ruộng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động tới từng gốc cây; đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm. Vụ đông 2022, Công ty đã trồng các loại rau: cải xanh, thì là, mùi ta, cải bó xôi, cà chua cherry đỏ… theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn khi thời tiết ít mưa nhưng do chủ động được nguồn nước nên các loại cây trồng vẫn sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm đang được tiêu thụ tại địa phương và các cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Hiện Công ty đã đăng ký thủ tục để được chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn VietGAP, đồng thời đầu tư hệ thống máy sấy lạnh để chế biến các sản phẩm bột cải bó xôi, cần tây, củ dền… nhằm nâng cao giá trị nông sản. Tại vùng đất bãi xã Đại Thắng, Công ty Cổ phần Sản xuất và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông thuê 7ha đất để thực hiện Dự án Khoa học công nghệ “Xây dựng mô hình sản xuất một số loại rau, quả chất lượng cao (dưa vân lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột, cà chua và măng tây…) ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nam Định”. Công ty đã lắp đặt gần 4ha hệ thống nhà màng áp dụng các kỹ thuật tưới nước tiên tiến và đưa nhiều loại cây trồng mới giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm của Công ty đều có dán tem truy xuất nguồn gốc, được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở các thành phố lớn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá bán ổn định; trong đó, các sản phẩm OCOP “Dưa leo Baby Kichi ATD”, “Dưa lê Hàn Quốc ATD”, “Dưa lưới ATD” đang được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Mỗi năm sản lượng rau, quả Công ty xuất bán ra thị trường đạt 100 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so với phương thức canh tác truyền thống. Tại vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu của xã Thành Lợi, nhiều hộ nông dân cũng chủ động ứng dụng các công nghệ cao để điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, phát triển thiên địch, giảm sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo rau màu phát triển tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các loại rau màu truyền thống như: rau cải canh, rau ngót, rau gia vị hành hẹ, mùi, húng… hầu hết đều được trồng trong nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, loại bỏ hoàn toàn sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho rau, chỉ sử dụng các hoạt chất vi sinh, thân thiện môi trường. Những đổi mới về tư duy đã giúp nông dân nơi đây tăng hiệu quả canh tác lên 2-3 lần so với trước đây. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nông sản. Tiêu biểu như Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống rau quả đóng hộp như nước bí đao S24, nước chanh leo S24… Các sản phẩm này bước đầu đã thâm nhập thị trường và được người tiêu dùng quan tâm.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản xác định tiếp tục tăng cường tiếp nhận, khảo nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, HACCP… Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin