Những ngày cuối năm ở xã Tân Thành (Vụ Bản) trở nên tất bật, rộn ràng hơn bởi người dân, thương lái ở các nơi tìm về thu mua nông sản cung ứng ra thị trường Tết. Trong đó, rau màu, hoa cây cảnh, cây bóng mát, lương thực, thực phẩm… là thế mạnh của địa phương được quan tâm nhiều nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, xóm 7, xã Tân Thành (Vụ Bản) chăm sóc đào Thất Thốn chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Là địa bàn giáp ranh với thành phố Nam Định, lại nằm dọc theo tuyến đê sông Đào nên xã Tân Thành có điều kiện tự nhiên thuận lợi để vừa sản xuất, vừa phát triển dịch vụ, thương mại và tiêu thụ nông sản địa phương. Xã có nghề chế biến lương thực, thực phẩm phát triển mạnh với sản phẩm nổi tiếng là gạo, đỗ, vừng, lạc sơ chế của cơ sở sản xuất Việt Trung. Để khuyến khích người dân đầu tư sản xuất hàng hóa và phát triển thương mại dịch vụ, UBND xã đã tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại; quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Điểm nhấn trong sản xuất ở Tân Thành là đã tạo ra được những sản phẩm đặc trưng khác biệt với sản phẩm khác cùng loại. Ví như cũng là rau xanh 4 mùa như rau cải, đậu đỗ, rau diếp, xà lách, ngải cứu… nhưng ở Tân Thành người dân chọn vùng đất bãi phù sa ven sông để trồng cấy nhằm hạn chế phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đồng thời chủ động áp dụng biện pháp thâm canh trái vụ với trà sớm và muộn ở hầu hết các loại rau để tăng hiệu quả kinh tế và dễ tiêu thụ. Đặc biệt tại thời điểm tháng 10, đầu tháng 11, rau xanh khan hiếm do thời tiết bất thuận nhưng vựa rau xã Tân Thành vẫn có nhiều sản phẩm cung ứng ra thị trường bởi khu vực này tiêu thoát nước tốt, kết hợp với áp dụng biện pháp canh tác truyền thống sử dụng rơm rạ, lưới che phủ trên mặt luống, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết giao mùa, thiên địch và giữ ổn định môi trường đất. Các hộ trồng hoa cúc chọn cách trồng hoa trong chậu chứ không trồng dưới đất rồi mới đưa vào chậu để thuần cây, dưỡng sắc cho hoa ngay từ lúc còn chớm nụ. Cách làm này đã chiếm trọn được tâm lý người tiêu dùng chơi hoa ngày Tết là muốn cây hoa đẹp, bền, khỏe, không bị xuống sắc do quá trình đánh bầu lên chuyển từ vườn sang chậu. Nhờ đó mà nghề trồng hoa cúc ở Tân Thành phát triển bền vững và nhân rộng ra nhiều hộ gia đình trong xã. Hiện tại toàn xã có hơn 30 hộ trồng hoa vụ tết, mang lại thu nhập cao và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới xã Tân Thành khang trang. Năm nay, nhiều hộ có kinh nghiệm trong nghề trồng hoa của xã còn đưa ra thị trường nhiều loại hoa, cây lá màu khác như lan, thược dược, đào thất thốn, mai trắng, mai vàng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, xóm 7 hồ hởi cho chúng tôi biết: “Năm nay xuống giống khoảng hơn 1.000 chậu cúc gồm đại đóa, cúc màu và cúc âm đồng. Ngoài ra hàng trăm gốc đào thất thốn, mai trắng, mai vàng, gia đình tôi đã ươm giống, tỉa cây từ vài năm trước đây, đến nay cũng vừa vào thế, hoa nụ đều đẹp cả. Dự kiến đến 20 tháng 12 âm lịch bắt đầu mở bán các loại hoa, cây cảnh ngay tại vườn nhà”.
Ở các gia trại chăn nuôi tổng hợp của các hộ dân trong xã cũng đều phấn khởi vì năm nay sản phẩm làm ra chất lượng cao, được mùa, được giá. Gia trại chăn nuôi gà đẻ của gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, xóm 4 nuôi 1,3 vạn con gà đẻ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 8.500 quả trứng thương phẩm. Gia trại nuôi dê của ông Bùi Văn Thiện, xóm 6 nuôi trên 100 con dê. Ông dành 4.000m2 đất chuyên trồng cỏ voi, cỏ xước làm thức ăn tăng sức đề kháng tự nhiên cho dê. Ban ngày ông thả đàn dê ở triền đê, tự tìm kiếm thức ăn nên không phải dùng đến cám công nghiệp và hạn chế tối đa thuốc phòng, chống bệnh dịch; sản phẩm vì thế đạt chất lượng cao. Gia trại của gia đình ông là địa chỉ tin cậy của cả khách hàng mua buôn, mua lẻ ở trong và ngoài tỉnh. Các nghề chế biến nông sản, cung ứng cây, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ và phương tiện vận chuyển... của xã phát triển mạnh tạo nên khí thế năng động của vùng đất ven đô.
Đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Thành đạt trên 60 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp của xã đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của địa phương và tính năng động của người dân, xã Tân Thành cần hỗ trợ người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt chú trọng phương thức canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa các loại rau, củ, quả mới có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào trồng, tạo nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng của vùng ven đô. Hỗ trợ người dân có nghề trồng hoa, cây cảnh, trồng rau màu thành lập tổ nhóm liên kết sản xuất hoặc hợp tác xã chuyên canh để dễ dàng tiếp cận công nghệ, mở rộng thị trường một cách bài bản, bền vững hơn. Tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, vốn vay phát triển sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để thu hút đầu tư và giúp người dân tổ chức các khâu dịch vụ cung ứng hàng hóa./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin