Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Giao Thuỷ đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sinh kế bền vững, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ ông Phùng Văn Dũng, xóm Sơn Thuỷ Đông, xã Giao Hà khôi phục nghề nuôi thỏ, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và thu nhập cho gia đình. |
Từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm ban đầu, qua 20 năm hoạt động, đến nay Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đang triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ tính đến ngày 26-9-2022 là 426 tỷ 988 triệu đồng. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện là đơn vị có dư nợ cao thứ 4 toàn tỉnh, bình quân mỗi xã đạt trên 19,5 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm Phòng Giao dịch giải ngân cho vay gần 61 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay trong gần 20 năm của Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đạt hơn 1.584 tỷ đồng với trên 119.990 lượt khách hàng; bình quân mỗi năm giải ngân cho vay được 61 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đã giúp hơn 8.500 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho 2.348 lao động; gần 20.600 học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đến trường; 72.102 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, 384 hộ nghèo được hỗ trợ mới và tu sửa nhà ở; 15 hộ được vay vốn xây mới nhà ở khang trang; 50 học sinh, sinh viên được vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và 1 cơ sở mầm non ngoài công lập được vay vốn để phục hồi hoạt động. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, luôn là đơn vị cấp huyện có chất lượng tín dụng tốt, đứng đầu các chi nhánh với tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ. Tính riêng doanh số cho vay của chương trình giải quyết việc làm, trong 20 năm qua đạt trên 68,2 tỷ đồng với 2.348 hộ được vay vốn để đầu tư nuôi trồng, chế biển thuỷ hải sản, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cơ khí, may công nghiệp, thương mại, dịch vụ và chăn nuôi… tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định.
Trong gần 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ đã tiếp tục giải ngân 9 tỷ 795 triệu đồng cho 193 hộ vay, nâng tổng số hộ vay trên địa bàn toàn huyện là 16.324 hộ. Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai hiệu quả đã hỗ trợ đắc lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với vốn vay ưu đãi, phát triển sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tại xã Giao Hà, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tính đến ngày 26-9-2022 đạt 23 tỷ 456 triệu đồng, tăng 1 tỷ 721 triệu đồng so với đầu năm với 799 hộ vay vốn. Tổng số dư tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ 426 triệu đồng với 824 hộ tham gia. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ, các hộ đã đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà, vịt, nuôi cá truyền thống đem lại thu nhập ổn định, nhiều gia đình vươn lên khá giả. Ông Phùng Văn Dũng ở xóm Sơn Thuỷ Đông hồ hởi cho biết: “Hai năm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc nuôi thỏ của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị đình trệ, buộc gia đình phải phá đàn. Khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng gia đình lại thiếu vốn để khôi phục đàn thỏ như ban đầu”. Được Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện tín chấp, ông Dũng đã vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ để tái đàn thỏ. Đến nay, đàn thỏ của gia đình ông đã có hơn 300 con, trong đó có 50 cặp thỏ bố mẹ. Ông chia sẻ: “Hiện tại, đàn thỏ sinh trưởng khoẻ mạnh. Nuôi thỏ mỗi năm gối sóng được 7 lứa, bình quân từ 4-4,5 tháng thỏ có thể xuất chuồng với trọng lượng 2,2 kg/con. Mỗi ngày gia đình tôi cung ứng ra thị trường khoảng 30kg thịt thỏ, đợt cao điểm có thể 1-2 tạ/ngày”. Nếu trôi chảy, nghề nuôi và sơ chế thỏ đem lại cho gia đình ông Dũng thu nhập ổn định bình quân từ 70-80 triệu đồng/năm. Có được thu nhập ổn định, việc đóng lãi nợ của gia đình ông được thực hiện đầy đủ. Còn chị Doãn Thị Hoa ở xóm Sơn Hải thì vui vẻ chia sẻ: Mặc dù giá cám, con giống gà, vịt tăng mạnh khiến lợi nhuận của người nuôi bị giảm đáng kể nhưng cuối năm nay chắc chắn gia đình tôi sẽ có thêm 100 triệu đồng nhờ chăn nuôi gà, vịt. Hiện tại, gia đình chị đang nuôi hơn 2.000 con gà thịt giống Tam Đảo, 1.000 con vịt thả đồng. Với 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ theo chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình chị đã đầu tư đảm bảo chủ động nguồn thức ăn, giống và tiêm vắc-xin đầy đủ bảo vệ cho đàn gia cầm. “Số vốn tuy không nhiều nhưng rất đúng lúc và kịp thời nên gia đình rất cảm ơn Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho gia đình được tiếp cận và thụ hưởng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập”, chị Hoa nói thêm.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ tiếp tục tổ chức giải ngân hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, đảm bảo đây thực sự là công cụ tài chính hữu hiệu về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH huyện cung cấp, dư nợ tăng trưởng bình quân từ 7-10%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức 0,1% tổng dư nợ./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin