Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sản xuất, chế biến dược liệu

08:43, 29/12/2022

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến dược liệu trong tỉnh đã năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người sử dụng, được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển kinh tế bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu của hội viên nông dân Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương.
Mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu của hội viên nông dân Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương.

HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với gần 40 thành viên và lao động kỹ thuật tham gia sản xuất. Hàng năm, HTX liên kết với Viện Di truyền Việt Nam và Học viện Nông nghiệp 1 Việt Nam để mua giống nấm về sản xuất, đồng thời xuất bán sản phẩm đã sấy khô cho Viện. Toàn bộ dây chuyền hệ thống sản xuất nấm sạch được đồng bộ khép kín theo đúng quy trình VietGAP, từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm bằng máy tự động, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm. Do vậy, cây nấm không những cho năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác định sản phẩm chủ lực là cây nấm linh chi, HTX đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất trà nấm linh chi, rượu nấm linh chi. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao gồm: Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư Linh Phát. Sản phẩm của HTX dịch vụ Linh Phát đã có mặt tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trung bình mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 5 tấn nấm linh chi thương phẩm (đã sấy khô), 50 tấn nấm bào ngư, 10 tấn mộc nhĩ, 10 tấn nấm mỡ, hàng trăm lít rượu nấm linh chi… HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu) được thành lập từ năm 2014 với sự tham gia của 154 thành viên, trong đó có 85 lao động nữ. HTX liên kết các hộ gia đình tại xã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 15ha. Sản phẩm chính là dây thìa canh sấy khô cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược cho Công ty Cổ phần Nam Dược. Tham gia HTX, các thành viên đã được cán bộ kỹ thuật của Công ty Nam Dược hướng dẫn từ những kỹ thuật đơn giản như trải rơm để ngăn ngừa cỏ dại, giữ độ ẩm cho cây, bón lượng phân hợp lý, tỉa cành đến việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, nhờ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật GACP (tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới quy định trong sản xuất dược liệu) vào vườn cây trồng dây thìa canh nên năng suất cao gấp 2-3 lần so với cách làm quảng canh, chất lượng cũng cao hơn hẳn do hoàn toàn không có phân bón, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu, giữ được tối ưu nhất những hoạt chất trong dược liệu. Ngoài dây thìa canh sấy khô, HTX còn chế biến các sản phẩm tinh chế như cao thìa canh, trà túi lọc, tiện lợi cho người sử dụng. Thu nhập trung bình đạt 20 triệu đồng/sào/năm. Tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” lần thứ 3 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc đã đạt giải thưởng tiêu biểu toàn quốc với đề tài “Chuyên canh trồng và chế biến cây dược liệu thìa canh nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tại xã Hải Giang (Hải Hậu) HTX kinh doanh dịch vụ Liên Minh những năm qua cũng mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, trong đó đa phần là lao động nữ nông nhàn tại địa phương. Nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, các thành viên HTX đã bắt tay vào phát triển trồng cây dược liệu, sản xuất rượu đinh lăng theo chuỗi giá trị. Sản phẩm rượu thuốc đinh lăng không chỉ mang lại sức khỏe cho người dùng mà còn phát huy được thế mạnh của vùng trồng và chế biến cây dược liệu tại Hải Hậu. Sản phẩm của HTX đã có mặt ở thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh lân cận.

Toàn tỉnh hiện có hàng chục HTX chuyên về trồng, chế biến cây dược liệu hoặc kết hợp trồng cây dược liệu với nuôi trồng thủy hải sản và các loại rau màu khác hoạt động ổn định, hiệu quả. Các HTX tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có tại địa phương để sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, hỗ trợ phòng và điều trị một số bệnh lý hoặc cung cấp nguyên liệu chất lượng cho các công ty chế biến dược phẩm. Tiêu biểu như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) sản xuất các loại nông sản an toàn (hẹ, dưa lê, cà chua) theo chuỗi liên kết; trong đó cây hẹ được cung cấp cho nhà máy chế biến dược phẩm xuất khẩu tại tỉnh Ninh Bình. Nhằm tạo thuận lợi cho người sản xuất, những năm qua các HTX đã chủ động hỗ trợ cây giống, phân bón phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân; đồng thời tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, giúp tập thể HTX và thành viên tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các cấp, các ngành liên quan đã có một số hoạt động hỗ trợ các HTX sản xuất, chế biến dược liệu phát triển như: đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP, quảng bá xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Điển hình như huyện Hải Hậu, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã vận động, khuyến khích phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị, trong đó có cây dược liệu. Huyện còn tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm OCOP. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% khối lượng nông sản, thực phẩm chủ lực (trong đó có cây dược liệu) được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với chế biến và phát triển sản phẩm OCOP.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển các HTX sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là về nguồn vốn, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế từ những sản phẩm dược liệu và các vùng trồng cây dược liệu, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com