Vụ cá Nam vừa qua diễn ra trong điều kiện thời tiết, giá xăng dầu lên xuống thất thường, có thời điểm giá xăng dầu “leo thang”. Thế nhưng, ngư dân các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, đầu tư tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi bám biển.
Ngư dân huyện Hải Hậu vận chuyển cá thu hoạch được sau chuyến khai thác xa bờ. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.159 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất gần 320 nghìn CV, thu hút tổng số 6.298 người lao động trực tiếp trên biển. Trong đó, huyện Giao Thuỷ có 896 chiếc, Hải Hậu có 698 chiếc, Nghĩa Hưng 514 chiếc, Trực Ninh 50 chiếc, Xuân Trường 1 chiếc.
Vụ cá Nam vừa qua, toàn tỉnh ước thu được gần 30 nghìn tấn thủy, hải sản. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến ra khơi khai thác thủy hải sản, ngư dân đã đầu tư, mua sắm ngư lưới cụ, bổ sung lao động đảm bảo hoạt động cho những chuyến đi dài ngày. Tiêu biểu như xã Hải Triều (Hải Hậu) đã tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ gắn với phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ. Hiện xã có 90 tàu, thuyền khai thác xa bờ. Xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tới ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng và các chủ phương tiện khai thác hải sản khác trên địa bàn. Đồng chí Trần Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết: “Để giảm chi phí sản xuất, xã khuyến khích ngư dân khai thác thủy sản theo tổ đội, nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản; tăng cường khai thác theo chuỗi liên kết; bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao giá thành sản phẩm”. Ông Trần Văn Quế cho biết: “Ngư dân xã Hải Triều đang hoạt động với hình thức tổ, đội để tương trợ nhau trên biển. Vào vụ cá Nam này, chúng tôi đã huy động hết nhân lực, đầu tư duy tu phương tiện, thiết bị máy móc để vươn khơi với mong muốn khai thác các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao”.
Cũng như ông Quế, để vươn khơi bám biển, gia đình anh Nguyễn Văn Đông, ngư dân xã Giao Hải (Giao Thủy) đã tu sửa, kiểm tra lại tàu thuyền nhằm đảm bảo cho việc ra khơi được thuận lợi, đánh bắt có hiệu quả. Anh Đông cho biết, vụ cá Nam có nhiều loại hải sản có giá trị cao. Vụ cá Nam năm nay, tuy giá xăng dầu lên xuống thất thường nhưng ngư dân chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển sản xuất; các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn để khai thác hiệu quả. Vụ cá này, tôi thu được lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Theo nhiều ngư dân, vụ cá Nam vừa qua, thu nhập của mỗi ngư dân đạt từ 150-250 triệu đồng. Cùng với sự hối hả bận rộn của ngư dân, các cơ sở sửa chữa tàu thuyền cũng nhộn nhịp tăng ca để đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh Đỗ Văn Trường, nhân viên của xưởng sửa chữa máy tàu cá Phú Sơn, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết: “Chi phí để tu bổ, sơn sửa lại tàu cá thường dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đợt này, cơ sở tập trung sơn ve lại phần thân tàu, sửa chân vịt, kiểm tra lại hệ thống máy móc… nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu sớm ra khơi đánh bắt”.
Vụ cá Nam năm 2022, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Các cơn bão từ đầu năm đến nay, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh nhưng cũng làm gián đoạn hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành cùng với các địa phương, Sở NN và PTNT đã đề nghị các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh vận động ngư dân hoạt động khai thác thủy sản theo tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu, sử dụng máy tàu có công suất phù hợp, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng hiệu quả thông tin từ bản tin dự báo ngư trường để giảm thiểu chi phí hành trình tìm ngư trường. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, thương lái, đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho ngư dân. Cùng với đó, phát huy vai trò của các tổ đội sản xuất, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm; khuyến khích ngư dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển như: thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm thiểu chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng bốc dỡ sản phẩm. Khuyến cáo chủ tàu có tàu cá nằm bờ tranh thủ thời gian đang neo đậu thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu, ngư lưới cụ, trang thiết bị. Đặc biệt, tàu cá khi neo đậu phải bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ. Theo dõi chặt chẽ tổng hợp tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất của ngư dân để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngư dân bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Kết thúc vụ cá Nam, bước vào vụ cá Bắc năm 2022-2023, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục cử cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi diễn biến ngư trường, nguồn lợi thủy sản, tình hình thời tiết, khí hậu để tham mưu cho các địa phương hướng dẫn cho ngư dân tổ chức khai thác thủy sản đạt kết quả tốt. Chi cục Thủy sản cũng tập trung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn ngư dân tuân thủ Luật Thủy sản; nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tìm hiểu, nắm bắt một số mô hình sản xuất, khai thác thủy sản có hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh bạn nhằm học tập kinh nghiệm, áp dụng triển khai trên địa bàn. Hy vọng, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, ngư dân các huyện ven biển sẽ nỗ lực, tích cực khai thác thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin