Huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

08:19, 10/11/2022

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế các nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Hải Quang (Hải Hậu).
Mô hình trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Hải Quang (Hải Hậu).

Hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ

Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Nam Định được thực hiện 5/7 dự án Chương trình giai đoạn 2021-2025, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Ngay từ đầu năm 2022, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định 1356/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022; Kế hoạch số 110/KH-UBND truyền thông về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 109/KH-UBND về giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ban Chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững xây dựng các kế hoạch thực hiện các chính sách, dự án, hoạt động của chương trình lồng ghép vào các chương trình kinh tế - xã hội, các phong trào của địa phương; tuyên truyền về các chính sách, dự án giảm nghèo. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, các dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tích cực, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhìn chung, người nghèo trong tỉnh đã được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu nên đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Số liệu thống kê 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh còn 11.027 hộ nghèo; 32.062 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo 1,73%, hộ cận nghèo 5,04% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Dự kiến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,05-0,1% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Việc triển khai thực hiện chính sách, cơ chế giảm nghèo được quan tâm. BHXH tỉnh đã thực hiện cấp 15.466 thẻ BHYT cho  người thuộc hộ nghèo, kinh phí 6,285 tỷ đồng; cấp 72.797 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí 29,484 tỷ đồng; cấp 249.293 thẻ BHYT cho người có mức sống trung bình, kinh phí 69,761 tỷ đồng. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên; số người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí 29.321 lượt người, với tổng kinh phí trên 49,034 tỷ đồng; 22.703 học sinh, sinh viên được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, kinh phí thực hiện 7,659 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới 52 nhà, tổng kinh phí 2,418 tỷ đồng; sửa chữa 13 nhà, tổng kinh phí 210 triệu đồng. Ngân hàng CSXH đã triển khai cho vay ưu đãi cho 598 lượt hộ nghèo với số tiền 40,850 tỷ đồng; 3.119 lượt hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 227,825 tỷ đồng; 1.788 lượt hộ mới thoát nghèo, kinh phí 131,050 tỷ đồng; 103 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện 2,06 tỷ đồng.

Để không người nghèo nào bị bỏ lại phía sau

Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2022 là năm đầu của giai đoạn 2022-2025, việc phân bổ ngân sách và hướng dẫn của Trung ương còn chậm (Ngày 28-5-2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 652/QĐ-TTg và Quyết định 653/QĐ-TTg phân bổ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình) nhưng đến nay hướng dẫn của các bộ, ngành chủ trì thực hiện dự án/tiểu dự án chưa đầy đủ nên các địa phương còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch 101 ngày 29-7-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, chỉ đạo triển khai lồng ghép công tác giảm nghèo bền vững với đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM; động viên sự tham gia tích cực của người dân; đảm bảo thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và mục tiêu kế hoạch xây dựng NTM năm 2022 và những năm tiếp theo. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH tỉnh. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn nâng cao năng lực rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và kỹ năng kiểm tra giám sát, đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022. 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi, được hỗ trợ chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo. Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo. Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bàn về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com